A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà: Còn khó khăn trong phát triển cây dược liệu

Triển khai thực hiện quyết số 08-NQ/TU, ngày 02-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đăk Hà: Còn khó khăn trong phát triển cây dược liệu Ảnh: Mô hình trồng nấm dược liệu tại HTX cựu quân nhân xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà

Trong 3 năm qua, huyện Đăk Hà đã phát triển trên 60 ha cây dược liệu. Trong đó 2 ha Gừng cao sản tại xã NgọkWang; 2 ha Đương Quy xen trong vườn chanh dây tại xã Đăk Mar, sản lượng thu hoạch ước đạt 6 đến 7 tấn/ha; cây Nghệ vàng diện tích hàng năm từ 35-40 ha, tập trung ở các xã NgọkWang, Ngọk Réo, ĐăkNgọk…năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha; Mô hình Cây Sả với quy mô 10 ha, năng suất đạt từ 14-15 tấn/ha và Mô hình trồng Sa nhân tím, Đinh lăng, thử nghiệm trồng sâm dây.

Đối với nấm các loại, hiện tại có 3 Tổ hợp tác và 01 Hợp tác xã chuyên sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu đạt sản lượng hàng năm 18 tấn Nấm thương phẩm, trong đó có 3 tạ nấm Linh Chi đạt tiêu chuẩn dược liệu và xuất bán 200.000 bịch phôi ra thị trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu vẫn còn gặp không ít khó khăn đó là Chương trình mới thực hiện ở khâu tuyên truyền, phổ biến và xây dựng kế hoạch thực hiện. Việc trồng, khai thác, chế biến cây dược liệu trên địa bàn còn mang tính tự phát. Một số sản phẩm sản xuất ra có thời điểm không có thị trường tiêu thụ; một số loại cây có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ như các loại sâm, đẳng sâm thì không phù hợp với điều kiện tự nhiên. Mặt khác, công tác quy hoạch, bảo tồn; đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu còn chưa tập trung; Công tác thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ còn khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương chưa được cụ thể.

Tiếp tục phát triển cây dược liệu, huyện Đăk Hà đang rà soát quy hoạch phát triển từng loại dược liệu cho phù hợp. Phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng (sâm dây, đương quy, sa nhân tím, đinh lăng, ba kích, tam thất…) tại địa bàn các xã Ngọk Réo, Đăk Pxi và Đăk Ui; phát triển các loại dược liệu khác như gừng, nghệ, sả... tại khu vực TDP 5, thị trấn ĐăkHà, ĐăkNgọk (khoảng 50 ha) để sản xuất và chế biến tại chỗ; mở rộng phạm vi sản xuất các loại nấm dược liệu tại các xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Ngọk, Đăk Hring.

Đề án cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030 kêu gọi thu hút và huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, xây dựng 01 cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu với công suất đạt từ 10.000 tấn nguyên liệu tươi/ năm, tại thị trấn Đăk Hà.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên, huyện Đăk Hà cũng kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành cần sớm có chính sách ưu đãi; bảo lãnh sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất cây dược liệu theo Đề án. Về lâu dài cần có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sơ chế các loại cây dược liệu, tạo điều kiện thu mua sản phẩm  cho bà con nông dân.

 

Thế Quỳnh  

Tác giả: Thế Quỳnh  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan