A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nấm linh chi và câu chuyện làm nên “OCOP” ở huyện Đăk Hà

“Cách đây 4000 năm, sách thần nông bản thảo của Trung Quốc đã viết về nấm Linh Chi là một loại thực vật quý hiếm sống ở những vùng cao trên đỉnh núi, vách đá”. Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, nấm linh chi được nhân giống và sản xuất nhưng không kém phần chất lượng. Việc mà Hợp tác xã Cựu Quân Nhân Đăk Hring (Đăk Hà) ra đời, sản xuất, chế biến nấm linh chi đang ngày càng đáp ứng tốt hơn về thị hiếu và nhu cầu chăm lo cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Nấm linh chi và câu chuyện làm nên “OCOP” ở huyện Đăk Hà

Về huyện Đăk Hà (Kon Tum), nói đến sản xuất dược liệu quý thì không ai không biết đến sản phẩm “Nấm linh chi sấy khô” của Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring.

Đã lâu lắm, chúng tôi mới có dịp ghé thăm anh Lê Ngọc Khanh ở thôn 10 xã Đăk Hring huyện Đăk Hà. Tại ngôi nhà điều hành của Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Cựu quân nhân Đăk Hring (HTX Cựu quân nhân Đăk Hring), trong ly trà linh chi đang nóng hổi, anh khanh vui vẻ nói “Chú uống đi, nó tốt cho sức khỏe lắm đó”, rồi những câu chuyện về làm kinh tế của Chủ nhân làm nên sản phẩm linh chi sấy khô như được thêm trải lòng, để kể về những tháng năm gian nan cùng nghề trồng nấm.

Hợp tác xã (HTX) Cựu quân nhân Đăk Hring được thành lập đầu năm 2013, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, tập trung trồng các loại nấm thương phẩm như nấm mèo, nấm sò và nấm dược liệu. Ngày đó, mặc dù được đánh giá là một trong những mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng không lâu sau đó, HTX phải đứng trước cảnh “chẳng thành”.

Anh Khanh kể tiếp, lúc đó quy mô sản xuất thì nhỏ, việc liên kết các hộ tham gia sản xuất thì khó… Rồi thị trường tiêu thụ lại càng khó hơn. Mặt khác chưa tiếp cận được công nghệ sản xuất, nên sản phẩm làm ra thu không đủ bù chi.
Thế rồi “cái chí, cái chất” của người lính đã thôi thúc anh đi tìm lời giải. Gần một năm sau đó, HTX đã mạnh dạn liên hệ với Trung tâm dạy nghề Krông Ana (Đắk Lắk) và Học viện nông nghiệp Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu về quy trình trồng nấm. Quá trình vừa học vừa thử nghiệm, cuối cùng HTX cũng đã thành công và cho ra mắt thị trường sản phẩm “Nấm Linh Chi Sấy Khô”, giúp bảo quản được lâu hơn mà vẫn giữ được chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Từ bên bờ vực “buông bỏ”, sau gần 8 năm bươn chải, đến nay HTX Cựu quân nhân Đăk Hring đã phát triển quy mô sản xuất từ 1.000 m2 lên trên 6.500 m2 để trồng các loại nấm và thu hút 20 hộ gia đình hội viên tham gia sản xuất bình quân đạt 40 tấn nấm ăn; 2 tấn linh chi sấy khô (nguyên đai và thái lát) trên năm. Với tổng doanh từ 2 đến 3 tỷ đồng, mang về lợi nhuận cho HTX 800 triệu đồng/ năm, góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 12 lao động theo thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Những câu chuyện kể về trồng nấm của anh Khanh như chẳng bao giờ khép lại…Nghe mà mừng cho Hợp tác xã... Bây giờ nấm linh chi sấy khô cũng đã được công nhận đạt chất lượng sản phẩm, nhãn mác và bao bì; năm 2018 là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của xã Đăk Hring được công nhận “sản phẩm đặc trưng” của địa phương.

Để thoát ra cái “ao làng”, năm 2020 HTX cựu quân nhân đã mạnh dạn đưa sản phẩm của mình đi dự thi OCOP, kết quả là được Hội đồng thẩm định huyện Đăk Hà chấm điểm đạt sản phẩm 4 sao và đang hoàn thành các thủ tục dự thi cấp tỉnh. Đây cũng là điều kiện để HTX tiếp tục được hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất, xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm; tổ chức giới thiệu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng mở rộng quy mô sản xuất, như đúng điều kiện mà Chương trình OCOP đã đề ra - Anh Khanh rất vui khi nói về những kỳ vọng này.

Với suy nghĩ “đi trước đón đầu” HTX đang mở rộng thị trường tiêu thụ nấm trong nước mà đang hoàn thành các bước liên kết để đưa sản phẩm linh chi sấy khô sang thị trường nước bạn Lào - Một lợi thế về địa lý, thông thương trong xuất khẩu sản phẩm.

Câu chuyện từ sản phẩm đến thương hiệu, với anh Khanh đây không chỉ là ngày một, ngày hai, nhưng hãy để cho chính những người tiêu dùng kiểm chứng. Hiện tại, Hợp tác xã tiếp tục kiên định mục tiêu: Sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và sản xuất, chế biến phải gắn với bảo vệ môi trường; Tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân lực, vật lực sẵn có ở địa phương để góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Mục tiêu đã đề ra và với những dự định mới, tin rằng Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring, huyện Đăk Hà luôn vững bước trên con đường phát triển. Để những câu chuyện về người nông dân Đăk Hà đã và đang làm nên thành công của chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) sẽ được kể tiếp…
 

Thế Quỳnh  

Tác giả: Thế Quỳnh  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan