Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum được thành lập ngày 24 tháng 3 năm 1994 theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số diện tích tự nhiên là 84.446,74ha, trên cơ sở chia tách 04 xã của thị xã Kon Tum và 02 xã của huyện Đăk Tô, với 74 thôn, tổ dân phố; dân số là 32.305 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,9%; trên 45% dân số có tôn giáo.

 

         

Toàn cảnh thị trấn Đăk Hà

Trên cơ sở 2 xã Đăk Pxi và Đăk Hring tách ra từ huyện Đăk Tô và 4 xã Đăk La, Hà Mòn, Ngọk Réo, Đăk Uy tách ra từ thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum); thị trấn huyện lị Đăk Hà được thành lập trên cơ sở tách từ xã Hà Mòn. Khi đó, huyện Đăk Hà có thị trấn Đăk Hà và 6 xã: Đăk Hring, Đăk La, Đăk Pxi, Đăk Uy, Hà Mòn, Ngọk Réo.

Ngày 22 tháng 11 năm 1996, xã Ngọc Wang được thành lập theo Nghị định số 73-CP trên cơ sở tách ra từ 2 xã Ngọc Réo, Đăk Uy.

Ngày 3 tháng 9 năm 1998, xã Đăk Mar được thành lập theo Nghị định số 69/1998/NĐ-CP trên cơ sở tách ra từ 2 xã Đăk Hring, Hà Mòn.

Ngày 20 tháng 12 năm 2013, xã Đăk Long được thành lập trên cơ sở tách ra từ 2 xã Đăk Hring, Đăk Pxi và xã Đăk Ngọk được thành lập trên cơ sở tách ra từ 2 xã Ngọk Wang, Đăk Uy và thị trấn Đăk Hà đều theo Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 (hiện nay, huyện có 10 xã và 01 thị trấn).

Vị trí địa lý: nằm cách trung tâm thị xã Kon Tum 20 km về phía Bắc, phía Tây giáp huyện Sa Thầy, phía Bắc giáp huyện Đăk Tô, phía Đông giáp huyện Kon Rẫy. ĐăkHà là trung điểm giữa thị xã Kon Tum và huyện Đăk Tô, có quốc lộ 14 chạy qua, nên có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế. Huyện nằm trong lưu vực sông Pô Kô, nơi có công trình thuỷ điện PleiKrông; có rừng đặc dụng ĐăkUy với diện tích 659,5 ha và nhiều hồ chứa nước đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo môi trường sinh thái; là điều kiện để hình thành và phát triển du lịch sinh thái của địa phương trong thời gian tới. Trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp Nhà nước của Trung ương, của Tỉnh chuyên sản xuất cà phê, cao su và lúa nước; 2 di tích lịch sử được Tỉnh công nhận là Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui-Đăk Pxi và Điểm cao 601. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.Tuy nhiên, địa hình đồi núi, sông suối chia cắt phức tạp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện còn có những khó khăn nhất định.

Trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dồn mọi tâm sức, kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của các thế hệ đi trước, thực hiện chống đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và phát triển đất nước. Quán triệt và triển khai thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng; không ngừng phát huy những lợi thế sẵn có của mình; dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, HĐND, điều hành của UBND huyện và sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh Kon Tum; của các ngành và bằng các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể nhân dân các dân tộc của huyện đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức đưa huyện Đăk Hà đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tự hào. Với những thành tích trên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 1999 và Huân chương lao động hạng Nhì năm 2004, Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập huyện (24/3/1994-24/3/2009), nhân dân và cán bộ các dân tộc huyện Đăk Hà đã vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng; đó là Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện (24/3/1994-24/3/2014); 5 năm đón nhận, giữ vững, phát huy danh hiệu Anh hùng lao động và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất. Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần doàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà qua 25 năm thành lập huyện (24/3/1994-24/3/2019) và 10 năm phát huy danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là một phần thưởng xứng đáng, một quá trình phấn đấu trưởng thành của huyện nhà.