Huyện Đăk Hà án ngữ ở cửa ngõ TP Kon Tum tọa lạc trên một vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum thuộc miền cực bắc Tây Nguyên, với Quốc lộ 14 chạy qua chiều dài của huyện, Đăk Hà đã trở thành một vị trí chiến lược trọng yếu trong khu vực. Năm 1994 huyện Đăk Hà được thành lập trên cơ sở các xã Đăk La, Ngọc Réo, Đăk Ui, Hà Mòn tách ra từ thị xã Kon Tum và các xã Đăk Hring, xã Đăk Pxy tách từ huyện Đăk Tô.

Lùi lại thời gian về lịch sử năm 1925 làng Ngô Trang (nay là xã Đăk La) thuộc tổng Tân Hương là làng người kinh đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Đăk Hà ngày nay. Đến tháng 2 năm 1954 Kon Tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, Theo tinh thần hiệp định Giơnevơ ký kết vào ngày 20/7/1954 tỉnh Kon Tum bước vào thời kỳ lịch sử mới. Trong đó Mỹ Ngụy phân cấp đơn vị hành chính thành Tỉnh, quận, tổng (xã). Theo Nghị định số 348  ngày 27/6/1958 của Ngụy quyền Sài Gòn thì khu vực Đăk Hà ngày nay có xã Đăk Pxy và một phần xã Đăk Hring thuộc quận Đăk Tô. Đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX, Mỹ Diệm tăng cường dồn quân từ các tỉnh duyên hải trung bộ đến định cư dọc Quốc lộ 14 chúng thiết lập các nhà thờ lô cốt nhằm tạo thành vành đai phòng thủ tỉnh lỵ Kon Tum. Trên địa bàn huyện Đăk Hà đã thành lập các ấp chiến lược kiểu mẫu như Đăk Wơt (Hà Mòn), Tân Lập(ĐăkHring), Kon Trang Long Loi (Võ Định), Tổng Kon Stiêu(xã Ngọc Réo), tổng Hà Mòng (xã Hà Mòn)…Năm 1972 ta giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, đầu năm 1955 toàn tỉnh Kon Tum được tổ chức thành 6 khu nông thôn (tương đương huyện) và một xã. Trong đó Đăk Hà thuộc khu 1 ở phía nam và khu 6 ở các đơn vị bắc Võ Định. Ngày 17/3/1975 tỉnh Kon Tum được hoàn toàn giải phóng, trên địa bàn huyện Đăk Hà lúc đầu chỉ có 2 đơn vị cấp xã là xã Đăk Ui thuộc thị xã Kon Tum và xã Đăk Pxy thuộc huyện Đăk Tô. Một thời gian sau xã Đăk La được thành lập trên cơ sở làng Ngô Trang và các làng dân tộc hồi cư. Đến 17/8/1981 xã Ngọk Réo được thành lập trên cơ sở tách từ xã Đăk Ui và xã Đăk Cấm. Ngày 29/10/1983 tách từ xã Đăk Pxy thành lập xã Đăk Hring. Ngày 1/2/1985 thành lập xã Hà Mòn tách từ xã Đăk La. Ngày 22/11/1996 thành lập xã Ngọc Wang tách từ xã Đăk Ui và xã Ngọc Réo. Ngày 3/9/1998 xã Đăk Mar thành lập trên cơ sở tách từ 2 xã Đăk Hring và xã Hà Mòn. Ngày 20 tháng 12 năm 2013, xã Đăk Long được thành lập trên cơ sở tách ra từ 2 xã Đăk Hring, Đăk Pxi và xã Đăk Ngọk được thành lập trên cơ sở tách ra từ 2 xã Ngọk Wang, Đăk Uy và thị trấn Đăk Hà theo Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013. Hiện huyện Đăk Hà hiện có 11 xã, thị trấn với với 74 thôn, tổ dân phố, dân số là trên 82.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 50 tổng dân số toàn huyện.

Huyện Đăk Hà có diện tích hơn 84.360 héc ta nằm ở vùng Tây Trường Sơn trên nền đá cổ Việt Nam, độ cao trung bình từ 550 đến 600m. Trong quá trình hình thành và phát triển Đăk Hà là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em gồm Dân  tộc Xê Đăng, Bana, Giẻ Triêng, Gia Rai, kinh và một số dân tộc từ Tây Bắc tổ quốc mới di cư vào trong những năm gần đây. Cư dân lâu đời nhất trên địa bàn huyện Đăk Hà là 2 dân tộc Xê Đăng và Banar. Thành phần dân tộc Banar chính ở đây là người Bana rơ ngao. Người Xê Đăng chính ở huyện Đăk Hà có 2 nhánh chính là Xê Đăng – Xeteng và Xê Đăng TơĐrá. Sau ngày đất nước thống nhất đồng bào Đăk Hà tích cực thực hiện chủ trương của Đảng “xuống nà – Rà ruộng” khai hoang xây dựng cánh đồng , làm tốt công tác định cư tiến tới xóa bỏ lối sống du canh, du cư, áp dụng khoa học kỹ thuật trên các đồng ruộng. Đặc trưng tiêu biểu nhất của nền văn hóa truyền thống trên quê hương Đăk Hà là văn hóa nhà rông bắc Tây Nguyên theo cùng lễ hội cồng chiêng. Hầu hết các dân tộc bản địa đều có những lễ hội truyền thống như Lễ hội nước giọt, lễ nhà rông mới, lễ lúa nước. Cũng như nhiều dân tộc người Ba Na và người Xê Đăng đều cho rằng cuộc sống hàng ngày bị chi phối bởi những lực lượng siêu nhiên “Yàng”. Trong các lễ hộ bà con cầu “Yàng” cho mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt.

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Đăk Hà (tập 1)