A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương sáng A Thuần tiên phong thay đổi nếp nghĩ cách làm

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh A Thuần (sinh năm 1988), tại thôn Kon Tu, xã Đăk Ui không chỉ là điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mà còn phát huy tốt vai trò “đầu tàu” gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ đó, anh được được bà con trong thôn và chính quyền địa phương tín nhiệm bầu làm trưởng thôn liên tục từ năm 2015 đến nay.
Gương sáng A Thuần tiên phong thay đổi nếp nghĩ cách làm Trưởng thôn A Thuần hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây cà phê

Sinh ra và lớn lên tại thôn Kon Tu - thôn đặc biệt khó khăn của xã Đăk Ui, A Thuần sớm đã chứng kiến cảnh bà con trong thôn chịu nhiều thiệt thòi do điều kiện kinh tế khó khăn. Từ sớm, A Thuần đã nuôi dưỡng ước mơ vươn lên làm giàu cho bản thân và giúp người dân trong thôn nhanh chóng thoát nghèo.

Trưởng thôn A Thuần (thứ 2 từ phải qua) tiên phong trong việc tham gia đề án trồng rừng

A Thuần tâm sự, thôn Kon Tu trước giờ thì vẫn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn. Bà con chủ yếu làm theo kiểu truyền thống để đủ ăn, thậm chí có người không đủ ăn. Nhưng bầy giờ theo xu thế phát triển thì mình bắt buộc phải thay đổi. Do đó, bản thân tôi cố gắng phát triển kinh tế để tuyên truyền vận động bà con phải thay đổi cách làm để cải thiện cuộc sống, để đưa cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc hơn.

Được biết, sau khi hoàn thành thời gian thực hiện Nghĩa vụ Quân sự, năm 2012, A Thuần trở về quê tiếp tục học tập để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT và vận dụng kiến thức để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Chỉ sau 3 năm, anh đã chuyển đổi thành công diện tích đất trồng cây ngắn ngày sang 1,6 hecta cà phê, 0,5 hecta cây Bời lời. Thâm canh tăng vụ trên 5 sào lúa nước, kết hợp chăn nuôi quy mô nhỏ… Từ đó, gia đình có khoản thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Năm 2015, A Thuần được bà con nhân dân thôn Kon Tu tin tưởng bầu làm trưởng thôn.

Thôn Kon Tu có 107 hộ với 546 nhân khẩu người DTTS Xê đăng nhánh Tơ D’rá. Được “mắt thấy, tai nghe” người trưởng gương mẫu. Bà con đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất để phát triển kinh tế. Thay vì quanh năm chỉ trồng cây sắn, cây ngô trên đồi, hiệu quả kinh tế thấp. Như chị Y Bó sinh năm 1985, trước đây là hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất. Sau được trưởng thôn A Thuần tạo điều kiện cho đi làm Cà phê và trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật cơn bản.

Chị Y Bó cho hay: Bản thân tôi và nhiều người dân trong thôn nhờ A Thuần chỉ dạy cho cách làm Cà phê. Nhờ đó, chúng tôi đã biết cắt cành, sử dụng phân bón đúng thời vụ, chăm sóc để vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi làm hết việc của gia đình thì đổi công cho nhau hoặc đi làm thuê cho người bên ngoài để thêm nguồn thu nhập hàng ngày.

Được bà con tín nhiệm, yêu quý, bản thân A Thuần luôn trăn trở phải làm sao để xứng đáng với sự tin tưởng đó. Năm 2021, khi huyện Đăk Hà triển khai Đề án trồng rừng tập trung, A Thuần là người tiên phong đăng ký tham gia với diện tích 0,8 hecta, chuyển đổi từ diện tích đất trồng sắn năng suất thấp. Tin tưởng vào hướng đi của người trưởng thôn gương mẫu, 30 hộ dân trong thôn cũng đăng ký tham gia Đề án. Với sự tín nhiệm của bà con, A Thuần luôn chủ động tìm hiểu để hướng dẫn bà con các quy trình chăm sóc, bảo vệ cây rừng.

A Thuần cho biết: Đặc thù của cây bạch đàn Cự vĩ là dễ bị mối ăn. Lúc đầu phát hiện, bản thân anh chủ động liên hệ với cán bộ nông nghiệp của xã để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc mối, bảo vệ cây trồng. Sau đó, hướng dẫn nhân dân trong thôn làm theo. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình A Thuần và các hộ trong thôn đều sinh trưởng phát triển tốt với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

“Ba nhiệm kỳ được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, với vai trò “đầu tàu”, trách nhiệm của người Đảng viên, đồng chí A Thuần luôn là người tiên phong, gương mẫu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương để người dân tin tưởng và làm theo. Nhờ đó, các chỉ tiêu phát triển KT - XH hằng năm của thôn Kon Tu nói riêng và xã Đăk Ui luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, bản thân A Thuần còn là sỹ quan dự bị và đầu mối tiếp nhận thông tin, hỗ trợ lực lượng Công an xã trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương” - anh Trần Đình Trình – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui nhận định.

Mới đây, trên cơ sở thế mạnh về sản xuất lúa nước tại thôn, trưởng thôn A Thuần đã mạnh dạn liên kết các hộ dân để xây dựng thương hiệu “Gạo đỏ xã Đăk Ui” làm sản phẩm đặc trưng của xã và tham gia thi đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện. Tuy bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, song với A Thuần, anh luôn tâm niệm, mọi sự thay đổi sẽ là bước khởi đầu mới. Bản thân phải học hỏi, đi trước, làm trước để bà con tin tưởng làm theo.

Sau một ngày đi rừng kiểm tra, chăm sóc diện tích rừng trồng mới, lúc chia tay, A Thuần còn gửi cho mấy anh em mỗi người một Kg gạo đỏ để về “ăn thử, thấy ngon thì quảng cáo giúp bà con”. Nhìn sự giản dị, chân tình của A Thuần, chúng tôi tin tưởng và hi vọng, ước mơ nâng cao giá trị sản phẩm của thôn sẽ sớm thành hiện thực. Để A Thuần tự tin, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm, giúp bà con thôn Kon Tu thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chung tay xây dựng quê hương Đăk Ui ngày càng phát triển.

 

Trọng Nghĩa  

Tác giả: Trọng Nghĩa  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan