|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà với vấn đề “Tam nông”

Trong thời gian qua, Đăk Hà nổi lên như một “địa chỉ đỏ” trong việc thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Thông qua việc triển khai hàng loạt những chính sách mang tính đột phá, có tác động tích cực đến mọi mặt kinh tế- xã hội, mà trong đó “xương sống” là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, hợp lý, bền vững, Đăk Hà đã nhanh chóng tìm được lời giải cho bài toán “Tam nông”...
Đăk Hà với vấn đề “Tam nông”

Những điều kiện “cần và đủ”...

Trên thực tế, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân vốn đã được Đăk Hà coi trọng và triển khai từ lâu. Bằng chứng là sự hiện diện của một tập đoàn cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như đòi hỏi nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc Nghị quyết 01-NQ/TU ra đời có tác dụng thúc đẩy tiến trình thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn và đồng bộ hơn.

Công bằng mà nói, so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Đăk Hà có nhiều thuận lợi trong việc giải quyết bài toán “tam nông”. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam), nền sản xuất ở Đăk Hà tuy còn không ít những hạn chế như trình độ dân trí tại một số xã còn thấp; giữa các vùng còn có sự chênh lệch về mức độ phát triển; người nông dân thiếu vốn và trình độ canh tác thấp; cơ cấu cây trồng bố trí trên các loại đất canh tác tuy đã phát huy lợi thế về mặt tài nguyên nhưng chưa thực sự bền vững về sản lượng nông sản và môi trường... nhưng bù lại, Đăk Hà có tiềm năng đất đai (theo số liệu thống kê, toàn huyện có hơn 3.390  ha lúa; gần 700 ha ngô; trên 4.000 ha sắn) và lực lượng lao động dồi dào (23.437 lao động), phù hợp cho khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa; hệ thống điện được Nhà nước quan tâm đầu tư nên tương đối ổn định; điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp để phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày cũng như cây ăn quả...

Bên cạnh đó, Đăk Hà còn một lợi thế lớn là khả năng liên kết “4 nhà” khá khăng khít, chặt chẽ. Và kết quả của sự liên kết ấy là sự ra đời của dự án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp bền vững” kèm theo sự cam kết của không ít doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đảm bảo “đầu ra” ổn định cho nhà nông.

Nhưng nguồn lực quan trọng nhất- Chủ tịch huyện Phạm Đức Hạnh khẳng định- chính là yếu tố con người... “Nông dân Đăk Hà đã sớm có ý thức trong việc sử dụng các giống mới, có năng suất cao cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân mà huyện đề ra chủ yếu đóng vai trò “thúc đẩy” mà thôi”- Trạm trưởng Trạm KN Bùi Văn Vượng “khoe” một cách tự hào về các “đối tác” của mình. Giữ vai trò là “cầu nối” chính giữa chính quyền và nông dân, Trạm Khuyến nông Đăk Hà trở thành địa chỉ tin cậy cho những nông dân có mong muốn làm giàu ngay trên mảnh ruộng, vuông vườn của mình tìm đến.

Cuộc “cách mạng” trên đồng ruộng...

Chính những điều kiện “cần và đủ” trên là nền tảng để chính quyền Đăk Hà mạnh dạn triển khai nhiều quyết sách để thực hiện cho được mục tiêu của mình: lấy chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi khi thực hiện thành công chương trình chuyển dịch tức là đã khai thông được “dòng chảy” tiềm năng, tạo nên một “cuộc cách mạng” trên đồng ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và nhanh chóng, góp phần xóa đói giảm nghèo, mở ra khả năng khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai mà không phải đầu tư nhiều.

Quan điểm chủ đạo trong việc triển khai thực hiện mục tiêu ấy là khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hợp lý, bền vững, phát triển hàng hóa gắn với thị trường; hỗ trợ và tạo điều kiện để nông dân, đặc biệt là nông dân vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi nhằm nâng cao mức sống và khả năng tự chủ trong sản xuất của người dân…

Xác định “quả đấm thép” trong giải quyết vấn đề “tam nông” là tập trung mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua, Đăk Hà đã “rộng tay” bố trí hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình điện-đường-trường-trạm; các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, khai hoang đất sản xuất. Riêng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các chương trình kèm theo cũng đã “ngốn hơn 3,5 tỷ đồng”. Trong đó đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên 1,2 tỷ đồng; đầu tư cho công tác khuyến nông gần 1 tỷ; gần 200 triệu xây dựng vườn ươm có quy mô 1 ha để chủ động cây giống; xây dựng  vườn thực nghiệm 32 ha ta tại xã Đăk Mar với kinh phí hơn 1 tỷ đồng... chưa kể hàng tỷ đồng từ các nguồn kinh phí lồng ghép, hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trợ giá giống, phân bón, thu mua nông sản hàng năm...

Sự đầu tư đồng bộ và những chính sách phù hợp đã tạo nên chuyển biến cơ bản trong bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Đăk Hà. Kinh tế nông nghiệp Đăk Hà đã bắt đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc được xây dựng. Các mô hình sản xuất được triển khai ở hầu hết các xã, thị trấn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con tiếp nhận và nhân rộng, như mô hình lúa xen đậu tương (cho giá trị tăng bình quân 30-65%); sắn xen đậu tương, xen lạc (giá trị kinh tế tăng 25-45%)... Các loại giống cây trồng mới như lúa lai, ngô lai, sắn cao sản... đã khẳng định được vị thế của mình trên đồng ruộng, góp phần đưa Đăk Hà cán đích bình quân lương thực đạt xấp xỷ 300kg/người/năm. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, Đăk Hà đã có 141 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2.770 hộ, tương đương 22,68% tổng số hộ toàn huyện. Đã có hàng trăm nông dân ghi tên mình vào danh sách những điền chủ mới, có thu nhập không dưới 70 triệu đồng/năm như Vũ Đình Phong, Nguyễn Trung Thiêm, A Bồi, A Đáoh, A Đẻn... Theo số liệu thống kê, đến nay Đak Hà đã có hơn 7.600 hộ nông dân thuộc diện khá, giàu.../.

 

Văn phòng UBND huyện Đăk Hà (theo http://kontum.gov.vn)  

Tác giả: Văn phòng UBND huyện Đăk Hà (theo http://kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu