|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Duy trì nghề đan lát ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà

Đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đăk Hà, đan lát là nghề truyền thống đã gắn liền với bà con từ rất lâu đời. Bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, người DTTS đã biến những vật liệu tự nhiên như tre, núa, mây, sâm lũ… thành các sản phẩm như gùi, nia, rổ, rá… để làm phương tiện phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Để giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, lưu giữ và duy trì được nét truyền thống của dân tộc mình, xã Đăk Ui đang thực hiện lộ trình khôi phục nghề đan lát theo hướng sản xuất hàng hóa.
Duy trì nghề đan lát ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà Ông A Đêng Tổ trưởng tổ hợp tác đan lát Đăk Ui đang hoàn thiện chiếc gùi theo đơn đặt hàng của khách

Một trong những người làm nghề đan lát lâu năm nhất ở xã Đăk Ui là ông A Đêng, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở thôn 6, Đăk Ui, từ nhỏ, ông đã được cha, mẹ dạy nghề đan lát. Từ lúc 15 tuổi, ông đã có thể đan được các sản phẩm như: Nong, nia, sàng, sảy, bồ đựng gạo... Mọi công đoạn ông đều tự làm một mình, từ lên rừng chặt tre, lấy mây, đến phơi tre, chẻ nứa, đan lát… Ông cho biết, ngày trước, rừng tre, mây còn nhiều, ông dễ dàng tìm được nguồn nguyên liệu tốt để làm ra nhiều sản phẩm, vừa để phục vụ gia đình, vừa để bà con trong làng mang tiếp tế lương thực cho bộ đội ở vùng căn cứ cách mạng H16 thời bấy giờ. Sau năm 1975, xuất ngũ trở về địa phương, ông vẫn thường tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi để tự làm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Làm được nhiều, ông còn mang trao đổi với các hộ dân trong và ngoài xã.

Tổ hợp tác đan lát xã Đăk Ui; Sản phẩm đan lát của xã Đăk Ui tại Lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng huyện Đăk Hà năm 2018 

Theo ông Đêng, để làm ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh, tính từ lúc lên rừng lấy nguyên liệu đến lúc hoàn thành một thành phẩm mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Cây tre được chặt về rồi chẻ ra thành từng lát; Mây thì phải ngâm nước, chuốt sạch rồi phơi khô rồi gác trên gác bếp để chống mối, mọt… trước khi đan, người đan sẽ lấy các nguyên liệu có sẵn mang ngâm nước. Ông ước tính, chỉ tính công đan thì để đan một chiếc nong hay một chiếc nia thì cũng mất khoảng 1 ngày, đan gùi thì mất nhiều công hơn.

Với nhiều người dân tộc Xê đăng ở Đăk Ui cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện Đăk Hà, từ lâu, công việc đan lát của chỉ là nghề phụ của người dân khi xong mùa vụ hoặc khi mùa mưa kéo dài, không thể đi làm ruộng, làm rẫy. Các sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày chứ chưa mang tính sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nguồn nguyên liệu tự nhiên dần bị thu hẹp; số người biết đan lát hiện còn rất ít, chủ yếu là người già; Một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay không còn thói quen sử dụng các sản phẩm đan lát từ nguyên liệu tự nhiên mà dùng đồ nhựa do giá thành rẻ… nên nghề đan lát tại xã Đăk Ui cũng có nguy cơ mai một.

Ông A Bốn – Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết: “Để khôi phục, duy trì nghề đan lát. Đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Đăk Ui đã thành lập tổ hợp tác đan lát với trên 20 người. Theo đó, tổ hợp tác sẽ nhận đặt hàng từ người có nhu cầu, các cơ sở dịch vụ. Tùy vào quỹ thời gian, trình độ thẩm mỹ, địa điểm phù hợp của các tổ viên để phân công nhiệm vụ phù hợp như chặt tre, lấy mây, vót nan, chuốt dây… trước khi hoàn thiện sản phẩm giao cho khách hàng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động của tổ hợp tác cũng chỉ dừng lại ở tính thời vụ. Việc mở rộng quy mô và sản xuất nhiều sản phẩm gặp nhiều khó khăn”.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng” do Bộ NN & PTNT phát động. Mới đây, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo xã Đăk Ui chọn sản phẩm đan lát làm sản phẩm đặc trưng của xã. Để làm được điều đó, xã đã triển khai nhiều giải pháp, có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động của tổ Hợp tác đan lát để làm ra nhiều sản phẩm hơn theo hướng hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn các thành viên trong Tổ hợp tác làm ra các sản phẩm phục vụ như cầu sưu tầm của khách du lịch như mô hình Nhà rông truyền thống, Gùi, nỏ…

Mặc dù đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là thành công trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà tổ chức đầu tháng 6/2018. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hiện việc phát triển nghề đan lát tại Đăk Ui về lâu dài cũng còn không ít khó khăn. Một phần vì không ít hộ dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình; số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường còn khiêm tốn. Đặc biệt là vấn đề đầu ra sản phẩm bởi hiện nay, phần lớn sản phẩm của người dân làm ra cũng chỉ “luẩn quẩn” trong khu vực huyện Đăk Hà và lượng hàng tiêu thụ còn khá hạn chế. Do đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề được cả địa phương cũng như người đan lát quan tâm.

Khôi phục, gìn giữ nghề truyền thống hiện đang là vấn đề được rất nhiều địa phương quan tâm, thực hiện. Vì nó không chỉ tận dụng, phát huy được các lợi thế tự nhiên của địa phương, tạo công ăn việc làm, thêm nguồn thu nhập cho người dân. Mà còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Song, để nghề đan lát ở Đăk Ui được duy trì, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều thế hệ tham gia.

“Đảng ủy xã cũng đã vận động bà con, nhất là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm trong việc đan lát truyền dạy lại nghề cho giới trẻ. Bên cạnh đó, cũng hướng tới việc bảo tồn nguồn nguyên liệu tự nhiên đặc trưng của xã Đăk Ui như tre, sâm lũ, song, mây… bằng cách tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí là vận động nhân dân mang về trồng để duy trì nguồn nguyên liệu tự nhiên của nghề đan lát truyền thống. Song, về tính lâu dài thì cũng cần có những sự quan tâm hỗ trợ nhất định của tỉnh, huyện như hỗ trợ trong công tác dạy nghề, thường xuyên tổ chức các sự kiện, ưu tiên bố trí các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của xã… để không chỉ người dân trong tỉnh, huyện biết mà còn hướng tới khách du lịch. Vì khi sản phẩm có đầu ra ổn định, người dân có thu nhập thì người ta mới gắn bó, gìn giữ và phát triển” - Ông A Bốn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết.

 

Trọng Nghĩa (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  

Tác giả: Trọng Nghĩa (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan