A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc sống mới ở làng tái định cư Pa Cheng

Sau nhiều năm “đấu tranh tư tưởng”, gần 50 hộ dân thuộc các thôn Kon Gung, Đăk Mút (xã Đăk Mar) và Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà) đã bắt đầu an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống mới tại làng tái định cư Pa Cheng thuộc xã Đăk Long, huyện Đăk Hà.
Cuộc sống mới ở làng tái định cư Pa Cheng Cuộc sống mới tại làng tái định cư Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà

Năm 2015, anh A Thọ tại làng Đăk Mút, xã Đăk Mar cùng vợ rời làng cũ để đến ở tại khu tái định cư thuộc thôn Pa Cheng, xã Đăk Long. Những năm đầu, phần vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, phần vì lo ảnh hưởng đến việc học hành của các con, anh chưa hoàn toàn yên tâm chuyển khẩu. Sau 4 năm làm quen với vùng đất mới, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, đất sản xuất. Đến năm 2019, khi đã xây dựng được cơ ngơi khá ổn định, anh mới tách khẩu hoàn toàn cho các con lên ở ổn định cuộc sống tại xã Đăk Long.

Trong căn nhà mới vừa được tu sửa kiên cố, khang trang, A Thọ bộc bạch, do gia đình đông con, sau khi tách khẩu lên làng mới, A Thọ phải đi làm công nhân tại Tp Hồ Chí Minh để có nguồn thu nhập gửi về nuôi các con. Đến cuối năm 2021, sau những khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 nơi đất khách quê người, A Thọ trở về và quyết tâm gắn bó với làng mới.

“Bây giờ thì Nhà nước đầu tư đầy đủ hết. Từ đất sản xuất, đường giao thông, điện, giếng nước sinh hoạt… nên mình yên tâm rồi. Ở đây có cái lợi là con cái đi học rất gần trường, nên cũng giúp mình yên tâm đi làm, phát triển kinh tế” – A Thọ chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh, huyện thăm một hộ dân làng tái định cư Pa Cheng

Được biết, xóm mới nơi gia đình anh Thọ định cư có 18 hộ DTTS làng Đăk Mút (xã Đăk Mar) thuộc dự án giãn dân nội vùng đợt 2 tại huyện Đăk Hà. Đây là các hộ bị thiếu đất ở và đất sản xuất do ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Plei Krông tích nước từ năm 2010. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, một số hộ dân dù đã đến nhận nhà nhưng không về ở. Nhiều căn nhà bị bỏ hoang, xuống cấp. Nhiều công trình xây dựng, cấp nước sinh hoạt do nhà nước đầu tư cũng từ đó không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước

Theo Hoàng Công Ái – Chủ tịch UBND xã Đăk Long, nguyên nhân được xác định, là các hộ dân cho rằng điều kiện cơ sở vật chất, nhất là các công trình giếng đào hiện không đủ nước đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Có thời điểm, 5-6 hộ phải dùng chung một cái giếng nước mà vẫn không dủ nên bà con bỏ về làng cũ.

Để khắc phục khó khăn cho các hộ dân, các Sở, ngành của tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Đăk Hà đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ những tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của người dân. Đồng thời rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo các điều kiện cơ sở hạ tầng để người dân yên tâm định cư, phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2021, với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như tuyên truyền vận động, đã có 42 hộ dân thuộc Dự án chuyển khẩu đến định cư, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Mới chuyển khẩu lên từ cuối năm 2021, ông A Đun từ thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà không khỏi phấn khởi khi những kiến nghị của bản thân ông và gia đình trước đây đã được tỉnh, huyện và các ngành chuyên môn quan tâm giải quyết.

“Giờ thì nhà cửa đã ởn định rồi, bà con làng xóm cũng đông vui hơn. Mình chỉ mong muốn Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ thêm diện tích đất sản xuất để cho các hộ có nhiều nhân khẩu yên tâm làm ăn, không phải đi làm xa nữa” - ông A Đun vừa tâm sự, vừa khoe mấy khóm hoa hôm chuyển cả nhà lên ở, nay bắt đầu trổ bông trước hiên nhà.

Khu tái định cư tại thôn Pa Cheng nằm trong dự án giãn dân nội vùng đợt 2 tại huyện Đăk Hà với 74 căn nhà cấp cho 74 hộ dân thuộc các thôn Kon Gung, Đăk Mút (xã Đăk Mar) và thôn Kon Trang Long Loi (Thị trấn Đăk Hà) nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng lòng hồ thủy điện Plei Krông. Với sự quan tâm, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện Dự án. Đến nay, cuộc sống của các hộ dân đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, người dân mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để người dân có thể phát triển kinh tế.

Làng tái định cư Pa Cheng, xã Đăk Long (huyện Đăk Hà)

“Trước mắt thì vẫn còn một số khó khăn, thứ nhất là có một số hộ dân đến nay thì vẫn chưa hoàn thành xây nhà xong, nên xã sẽ tiếp tục vận động nhiều nguồn lực. Cái thứ hai về lâu về dài thì xã sẽ tiếp tục đề xuất với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho bà con vay một số vốn để bà con tu sửa nhà của cho ổn định và có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển” - ông Hoàng Công Ái – Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho hay.

Dự án giãn dân, tái định cư là một trong những bước đi hàng đầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Mong muốn của người dân để an cư lạc nghiệp sau tái định cư là cơ cơ sở. Do đó, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung, cũng cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách “hậu tái định cư” nhằm hỗ trợ cho cộng đồng và người dân phát triển sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… giúp người dân yên tâm bám trụ địa bàn, chung tay xây dựng vùng kinh tế mới.

Trọng Nghĩa  

Tác giả: Trọng Nghĩa  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan