Hội nghị triển khai công tác ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum tại huyện Đăk Hà
Chiều ngày 20/8, UBND huyện Đăk Hà phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum trên địa bàn huyện Đăk Hà năm 2024.
Dự Hội nghị có bà Thảo Thị Trường Sinh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum; Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía huyện Đăk Hà có đồn chí Lưu Duy Khanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Thường trực HĐND – Lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà; Đại diện các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất – kinh doanh trên địa bàn huyện…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 10 Chi nhánh (CN)/Phòng giao dịch (PGD) của các Ngân hàng và tổ chức tín dụng. Trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động ngân hàng tại huyện Đăk Hà đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hoạt động đầu tư tín dụng trên địa bàn đạt có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Tín dụng theo các chương trình, chính sách của Nhà nước và cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, với tỷ trọng lần lượt là 13,0% và 25,6%, cho thấy, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn đã được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời, phục vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của huyện; nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thương – UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị Ngân hàng nhà nước tỉnh Kon Tum, các tổ chức, doanh nghiệp tín dụng phối hợp chặt chẽ với huyện trong việc hỗ trợ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; giải quyết nhanh thủ tục hành chính, giảm các loại phí để đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, ngăn chặn tín dụng đen bằng cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, sản xuất; rà soát lại các chương trình tín dụng, điều kiện cho vay, lãi suất, các loại phí ngân hàng, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn. Tăng cường hơn nữa trong việc kết nối giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn với chính quyền, doanh nghiệp và người dân; tích cực thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng thông qua các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giúp tạo sinh kế cho người nghèo.
Về phía UBND huyện Đăk Hà, sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt, kiến thức tài chính, công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực thanh toán; Truyền thông về các chương trình tín dụng, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đang triển khai đến công chúng. Niêm yết công khai, đầy đủ và thực hiện giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính theo quy định tại các cơ quan, đơn vị trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy nhanh xử lý các hồ sơ tồn đọng liên quan đến thi hành án để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ nguồn vốn thông qua ủy thác nhằm thực hiện có hiệu hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Triển khai chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các thông tin về việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng và nguyên nhân không tiếp cận được, qua đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật./.