A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà: Thử nghiệm đưa mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học

Để xử lý phân, chất thải chăn nuôi một cách triệt để, tạo môi trường trong sạch và có lợi cho sự sinh trưởng của vật nuôi, huyện Đăk Hà đã triển khai thử nghiệm mô hình chăn nuôi heo cũng như một số vật nuôi khác (gà, vịt) trên nền đệm lót sinh học.
Đăk Hà: Thử nghiệm đưa mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học ảnh minh họa

Phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là phương pháp nuôi dưỡng động vật trên đệm lót chuồng có chứa một quần thể các vi sinh vật có thể tồn tại cùng nhau lâu dài trên đệm lót, có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại và gây bệnh nên có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu của động vật, làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không gây ô nhiễm, ít ruồi muỗi và vi sinh vật gây hại. Vì vậy, phương pháp chăn nuôi này khiến vật nuôi sống thoải mái, tăng sinh trưởng và sức đề kháng. Mô hình này đã được một số tỉnh, thành như Bình Dương, Gia Lai… thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, với tỉnh Kon Tum thì đây là mô hình còn khá mới mẻ.

Từ chỗ chăn nuôi theo lối truyền thống phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước, làm phát sinh các tác hại cho môi trường và người chăn nuôi chuyển sang lối chăn nuôi hiện đại, với những ưu điểm vượt trội như trên, mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được đánh giá là mô hình chăn nuôi kỹ thuật cao. Từ việc xây dựng chuồng trại, đến việc bố trí, cấu trúc chuồng trại đều phải đảm bảo tuân thủ theo quy định: diện tích chuồng không nhỏ hơn 10m2, với diện tích 20m2 nuôi khoảng 15 con heo thịt; cấu trúc chuồng hở, mái kép; nền chuồng được chia làm 2 phần, trong đó 2/3 diện tích ô chuồng là phần chứa đệm lót lên men (chiều sâu 50-60 cm), 1/3 diện tích còn lại lát gạch hoặc láng xi măng có độ dốc về phía trước 5 cm; trong từng ô chuồng có thiết kế hệ thống phun nước làm mát và giữ độ ẩm đệm lót; máng ăn và vòi uống nước tự động đặt ở 2 phía đối nhau giúp heo tăng sự vận động, làm đảo lộn đệm lót có lợi cho quá trình lên men…

 Ngoài chế phẩm sinh học đặc biệt (có tên là Balasa-N01 do Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội phối hợp cung cấp), nguyên liệu để làm đệm lót sinh học chủ yếu là mùn cưa (nghiền nhỏ ở mức 5-10mm) hoặc vỏ đậu phộng, lõi bắp, vỏ trấu, vỏ cà phê… (nghiền nhỏ ở mức 3-5 mm). Việc làm đệm lót sinh học được tiến hành theo nhiều bước: tạo nước men, tạo hỗn hợp bột, làm nền đệm lót và mỗi bước thực hiện có một công đoạn riêng.

 Mặc dù việc đầu tư ban đầu cho chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học khá công phu, đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng qua thực tế nhiều nơi thử nghiệm cho thấy kết quả là đệm lót sinh học có giá trị sử dụng cao, lâu dài (nền đệm lót có thời gian sử dụng 4-5 năm, tuy nhiên theo khuyến cáo chỉ nên sử dụng từ 1-2 lứa nuôi) và bất cứ tình huống nào thì việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cũng giúp làm giảm rõ rệt công lao động và chi phí so với cách làm thông thường để vệ sinh chuồng trại.

 Mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học được Đăk Hà triển khai thử nghiệm giai đoạn 2013-1015 với quy mô 5.000 m2 tại các xã phát triển về chăn nuôi như: Đăk La, Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Ui, Đăk Hring, Ngọc Wang, thị trấn Đăk Hà. Để khuyến khích hộ dân tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững, Đăk Hà hỗ trợ hộ gia đình tham gia mô hình xây dựng, cải tạo chuồng trại đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; trợ giá chế phẩm sinh học cho các hộ chăn nuôi theo định mức kỹ thuật (10m2/1 kg chế phẩm sinh học); hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cải tạo và sử dụng chế phẩm sinh học. Theo phương án Đăk Hà xây dựng, tổng nhu cầu vốn của mô hình hơn 5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 4 tỷ đồng và được thực hiện theo phân kỳ từng năm. Riêng trong năm 2013, năm đầu tiên thử nghiệm mô hình, Đăk Hà sẽ triển khai thực hiện trên 500 m2 tại một số xã, thị trấn với tổng nhu cầu vốn hơn 503 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước là 102 triệu đồng và người dân đối ứng gần 402 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 200m2 ô chuồng được triển khai xây dựng.

theo:kontum.gov.vn  

Tác giả: theo:kontum.gov.vn  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan