A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà: Mối liên kết “4 nhà” đã chặt chẽ, cụ thể, gắn bó và hiệu quả hơn

Tổng kết năm 2012, mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà đầu tư - Nhà nông) ở Đăk Hà được đánh giá đã có sự chuyển biến tích cực: chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn và gắn bó hơn…
Đăk Hà: Mối liên kết “4 nhà” đã chặt chẽ, cụ thể, gắn bó và hiệu quả hơn Mô hình nuôi cá rô đồng

 Nhìn lại năm 2012, Đăk Hà vẫn giữ vững là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc xây dựng các mô hình, dự án hay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp như: sử dụng chế phẩm sinh học trên một số loại cây trồng, xây dựng và phát triển mô hình “ngân hàng” cộng đồng tại vùng ĐBDTTS, đưa giống mới vào trong sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Với đề tài “trẻ hóa vườn cà phê” đã khiến cho “4 nhà” thảo luận một cách sôi nổi với nhiều cách nghĩ, nhiều phương hướng, giải pháp. “Trẻ hóa vườn cà phê” là một ý tưởng nằm trong dự án cải tạo, nâng cao chất lượng cây cà phê - loại cây trồng chủ lực của Đăk Hà (với hơn 7.300 ha, trong đó có 1.500 ha cà phê của các doanh nghiệp đã già cỗi) mới được triển khai trong năm 2012. Dự án đã được Đăk Hà ước tính sẽ thực hiện với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, chia thành 4 hợp phần kéo dài đến năm 2016.

Trong năm qua, tiếp tục triển khai kế hoạch mối liên kết “4 nhà”, ngay từ đầu năm, Đăk Hà đã cụ thể hóa bằng các chương trình kế hoạch thực hiện như xây dựng kế hoạch hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật phát triển nông nghiệp; xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 (bắt đầu thực hiện từ năm 2012). Cùng với việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình hành động, huyện Đăk Hà còn tổ chức vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và chế biến, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; tranh thủ nguồn lực từ cấp trên và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng nông nghiệp-nông thôn theo đồ án quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, trong năm qua, Đăk Hà đã được Bộ NN &PTNT quyết định cho triển khai đề tài cấp quốc gia về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ Khoa học công nghệ quyết định triển khai dự án hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, trong năm, Đăk Hà cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan của huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện quy trình sản xuất cà phê sạch trên chuẩn 4C; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề công nghệ và nông lâm Nam bộ mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với các Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp triển khai trồng khảo nghiệm một số giống mới  để lựa chọn bổ sung vào tập đoàn cây con của huyện.

Nhận thức được tầm quan trọng của mối liên kết “4 nhà”, nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà, nhất là bà con vùng ĐBDTTS đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng KHCN cao vào sản xuất và chế biến; tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất do nhà khoa học đưa ra cũng như hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ nông sản đã ký kết với doanh nghiệp; thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ để tiếp nhận chuyển giao KHCN, hỗ trợ sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ vào mối liên kết “4 nhà”, gần như nguồn giống cây cao su trồng trên địa bàn huyện đến nay (tổng số hơn 6.670 ha cao su trên địa bàn huyện, trong đó 4.500 ha cao su tiểu điền) đều được sản xuất tại vườn thực nghiệm huyện. Trong tổng số 7.320 ha cà phê (6.983 ha cho sản phẩm) của Đăk Hà đến nay cũng đều thực hiện đúng quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến với cà phê thu hái tỷ lệ quả chín đạt khoảng 90%, trong đó khoảng 85% sản lượng được xát nhân tại hộ gia đình. Riêng với lúa nước, đến nay, trên 51% diện tích lúa nước trên địa bàn huyện người dân đã sử dụng giống lúa thuần, lúa lai. Để giảm chi phí giống cho người dân trồng lúa tại địa bàn, trong năm qua, Đăk Hà đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giống với tổng diện tích gần 36 ha với năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha (giống lúa HT1). Nguồn giống sản xuất tại chỗ được đánh giá đảm bảo chất lượng và được huyện thu mua lại để cung ứng cho nhân dân sản xuất trong mùa vụ 2012 và vụ đông xuân 2012-2013. Cũng trong năm 2012, Đăk Hà đã xây dựng mô hình thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học trên 3 ha cao su, 10 ha cà phê già cỗi, 10 ha lúa nước. Kết quả, vườn cao su thử nghiệm đã tăng sản lượng mủ, bình quân đạt 90 kg/ha/1 lần cạo (tăng 10 kg mủ nước/ha/1 lần cạo); nồng độ mủ cao su cao hơn so với những diện tích không sử dụng chế phẩm sinh học. Với cà phê, vườn cây thử nghiệm đến nay được đánh giá là phát triển tốt về cành, lá, rễ có chiều hướng bền vững cho niên vụ 2013. Với cây lúa, toàn bộ phần diện tích thử nghiệm phát triển tốt, năng suất cao hơn so với năm trước từ 10-15 tạ/ha.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, trong năm, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề của huyện mở 26 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề như: kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, nghề mộc dân dụng, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp… Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân về các phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt, đặc biệt là áp dụng KHKT kết hợp với những kinh nghiệm thực tế để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và thu nhập.

Ngoài ra, trong năm qua, Đăk Hà cũng đã triển khai thành công một số mô hình trồng cây ngắn ngày như thanh long ruột đỏ, mô hình trồng hoa Lily; triển khai thành công một số mô hình chăn nuôi như: nhím sinh sản, mô hình nuôi cá ruộng lúa… Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn trong chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi một cách bền vững, tạo ra nguồn năng lượng sạch, Đăk Hà đã triển khai xây dựng mô hình biogas nhựa composite. Đến nay, Đăk Hà đang triển khai xây dựng dự án: xây dựng mô hình cải tạo, thâm canh để nâng cao hiệu quả và kéo dài chu kỳ kinh doanh của cây cà phê tại huyện Đăk Hà; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu giết mổ gia súc tập trung tại làng nghề công nghiệp-TTCN thị trấn Đăk Hà…

Bí thư Huyện ủy Đăk Hà - Phạm Đức Hạnh khẳng định: Đến nay với vai trò của Nhà nước thì Đăk Hà đã khẳng định là 1 chủ thể thống nhất trong mối liên kết 4 nhà, là sợi chỉ để xâu chuỗi mối liên kết này một cách chặt chẽ hơn, gắn bó hơn, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển KT-XH của địa phương. Cụ thể là đến nay, địa phương đã mời gọi được 25 viện nghiên cứu, cơ sở khoa học, đào tạo nghề… từ nhiều nơi trên cả nước đến liên kết giúp địa phương chuyển giao KHKT. Việc làm này đã hình thành nên một thói quen với người dân Đăk Hà là làm việc gì cũng cần phải có khoa học. Và thực tế hiện nay là những trung tâm, đơn vị cung ứng giống nếu không có chứng chỉ thì người dân Đăk Hà sẽ không dễ dàng chấp nhận.

Trong thời gian tới, huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục kêu gọi và liên kết với các nhà khoa học để tiếp tục sản xuất một số giống cây trồng mới, đặc biệt là các giống lúa mới có ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, huyện sẽ kêu gọi sự liên kết giúp đỡ từ phía các nhà khoa học, các ngành trong việc triển khai thí điểm mô hình trồng cao su xứ lạnh tại địa bàn các xã có điều kiện khí hậu thuận lợi, triển khai thí điểm mô hình trồng cây sâm khu 5 trên đồi núi cao (tại xã Đăk Pxi)…

theo (kontum.gov.vn)  

Tác giả: theo (kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan