A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ve sầu phá hại cà phê Đăk Hà:

Ve sầu - “sát thủ” giấu mặt… Vào những ngày này, ở huyện Đăk Hà, đâu đâu cũng nghe tiếng ve sầu kêu inh ỏi, từ sáng sớm đến chiều tối, nhất là vào những buổi trưa, làm cho không khí những ngày khô hạn càng trở nên oi bức, ngột ngạt. Có người nói vui: địa phận huyện Đăk Hà được “đánh dấu” bằng tiếng ve sầu. Ông Lê Xuân Đình (xã Đăk Mar) cho biết: Những năm gần đây, gần như năm nào cũng xuất hiện ve sầu hại cà phê, nhưng chưa năm nào lại xuất hiện sớm và nhiều như năm nay. Mới cuối tháng giêng (đầu tháng 3 dương lịch) mà “hắn” đã kêu râm ran khắp nơi. Chưa mở mắt “hắn” đã lên tiếng, kêu cho đến trời tối mới đào lỗ chui xuống hại cây. Nghe tiếng ve kêu mà ruột những người trồng cà phê như tụi tôi như bị xát muối. Càng nắng hạn, “hắn” càng phá dữ…
Ve sầu phá hại cà phê  Đăk Hà: Người trồng cà phê lo lắng tìm kiếm biện pháp diệt ve sầu

Theo những người trồng cà phê lâu năm ở Đăk Hà, lâu nay bà con nông dân thường không mấy quan tâm đến việc phòng trừ ve sầu vì cho rằng mức độ gây hại ít, chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn… Nhưng trên thực tế, đây chính là “sát thủ” giấu mặt, rất nguy hiểm đối với cây cà phê. Anh Hoàng Công Ái (xã Đăk Hring) kể: Hàng ngày thấy ve kêu râm ran thì cho là bình thường. Đến khi trong vườn cà phê có cây vàng lá, chết dần chết mòn mà không biết nguyên nhân. Đến khi đào gốc lên, thấy có rất nhiều ấu trùng ve sầu chích chột hết rễ cây, nhất là rễ non thì mới giật mình… Hậu quả mà ve sầu để lại càng lớn hơn vì thời điểm chúng hoạt động mạnh nhất là khi vườn cà phê đã qua hai đợt tưới, bộ rễ non đang phát triển để nuôi cây, nuôi trái.

Tập tính hoạt động của ve sầu là một “vòng khép kín”: Ve sầu trưởng thành đẻ trứng trên cây; ấu trùng sau khi nở thì rơi xuống và chui vào đất sinh sống nhiều năm. Khi sắp vũ hóa, ấu trùng bò lên mặt đất và leo lên cây lột xác thành ve sầu trưởng thành, và lại tiếp tục sản sinh ra một lứa ve sầu mới.

Ve sầu hút nhựa gây hại các bộ phận cây cà phê cả trên mặt đất lẫn dưới đất. Ve trưởng thành chích hút làm suy kiệt hoặc làm chết cành non; ấu trùng chích hút nhựa ở rễ làm cây chậm phát triển, còi cọc, lá vàng, trái rụng nên làm giảm năng suất; các cành dinh dưỡng phát triển kém, chồi ngọn và lá ra ít; các rễ tơ ở độ sâu 0 -15cm phát triển chậm; một số rễ bị đen, thối từ đầu rễ vào do một số loài nấm, tuyến trùng tấn công vào vị trí rễ bị ấu trùng ve sầu gây hại. Khi bị ve sầu tấn công, nếu nhẹ thì cây còn xanh, lá cà phê xoăn lại lên phía trên; nếu bị nặng thì rụng lá, rụng trái xanh bất thường, quả non phát triển chậm ngay cả sau khi bón phân đầu mùa mưa, chết cành, thậm chí chết cả cây.

Cũng theo anh Hoàng Công Ái, ấu trùng ve sầu rất khó tiêu diệt triệt để, vì tập tính của chúng là đào lỗ sâu dưới gốc cây. Khi phát hiện lỗ của ấu trùng ve sầu, có gia đình cho một lượng thuốc hóa học nhất định xuống lỗ rồi lấp đất lại; có gia đình dùng vôi bột rắc lên miệng lỗ rồi bơm nước xuống… nhưng vẫn không ăn thua. Cứ tình hình này, nếu không được các cơ quan chức năng hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả thì vườn cây của bà con sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Biện pháp nào trừ ve sầu hiệu quả…?

Theo cơ quan bảo vệ thực vật, ve sầu gây hại rất lớn cho cà phê, nhưng để phòng trừ chúng tận gốc thì thực sự khó khăn, vì ấu trùng đào lỗ ở sâu dưới đất, lại sống ở cả vùng đất không trồng trọt, khả năng di chuyển cao... Các thuốc nội hấp, với liều lượng khuyến cáo hầu như kém tác dụng, do chúng có kích thước lớn và rất khỏe. Vì vậy, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp và phải vận động cộng đồng cùng làm liên tục, mới cho hiệu quả mong muốn.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người trồng cà phê có thể áp dụng một số biện pháp phòng trừ đã được kiểm nghiệm trên thực tế và đạt hiệu quả khá cao trong những năm gần đây, như: bón phân cân đối, không bón thừa đạm, vì đạm sẽ làm rễ và thân cành non mềm dễ bị ve sầu và dịch hại tấn công, dùng loại phân kích thích ra rễ cho cà phê; phủ màng nilon (màng trong) quanh gốc để ngăn chặn ấu trùng chui xuống đất sau khi nở (nilon cũng ngăn chặn ấu trùng từ dưới đất chui lên để vũ hóa và vào buổi sáng, người dân có thể đi diệt ve sầu đang bị giữ lại dưới màng phủ); dùng keo dính (tương tự keo dính chuột) có pha thuốc sâu, quét quanh gốc cà phê để ngăn chặn, bẫy và diệt ấu trùng bò lên cây vũ hóa.

Ngoài ra, khi thấy mật độ ve sầu trên vườn quá cao (thông thường trong khoảng các tháng 5-6), thì dùng loại thuốc hạt có khả năng xông hơi và tiếp xúc như SAGO SUPER 3G, với liều lượng 50-70 kg/ha để rải. Trước khi rải, cần dùng cuốc nạo lớp đất mặt cho lộ rõ những miệng lỗ ve sầu dưới đất trong bồn. Rải thuốc hạt SAGO SUPER, thuốc rơi xuống lỗ của ve thì càng tốt, rồi lấp đất và tưới đậm nước. Cuối mùa hè nên tiến hành rải thêm một lần thuốc nữa. Lần rải thuốc này mới thực sự hiệu quả, vì lúc này ấu trùng còn nhỏ, nên rất dễ bị diệt.

 Bên cạnh đó, theo các kết quả nghiên cứu thì việc sử dụng thuốc hóa học quá mức sẽ làm cho ve sầu bùng phát thành dịch, do thuốc hóa học đã tiêu diệt các đối tượng thiên địch của ve sầu như kiến, ong, nhện. Thực tế cũng cho thấy, những vườn cà phê diệt kiến triệt để thì ve sầu nhiều hơn so với những vườn không bôi thuốc diệt kiến. Vì vậy, người trồng cà phê nên hạn chế dùng chất hoá học diệt trừ các loại thiên địch của ve sầu…

theo: (kontum.gov.vn)  

Tác giả: theo: (kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan