A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đăk Hà đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ - phát triển kinh tế địa phương

Đăk Hà có tổng diện tích tự nhiên là 84.446,74 ha; dân số là 64.556 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,9%; trên 45% dân số có tôn giáo. Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật để khai thác tiềm năng đất đai, lao động phát triển kinh tế đang được Đăk Hà quan tâm.
Huyện Đăk Hà đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ - phát triển kinh tế địa phương Cà phê Đăk Hà - Ảnh: V.Nhiên.

Nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum 20 km về phía Bắc, Đăk Hà là huyện có địa hình đồi núi, sông suối chia cắt phức tạp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn có những khó khăn nhất định…có 53,9% người  dân tộc thiểu số sinh sống. Đây cũng là một khó khăn lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tập quán canh tác cũ của người dân còn phổ biến; việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở còn hạn chế.

 

Từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII), Chỉ thị 63-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn và nhất là sau khi có Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) về khoa học công nghệ, Đảng bộ Đăk Hà xác định đây là hướng phát triển quan trọng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH huyện nhà. Đảng bộ đã nghiêm túc triển khai các chủ trương của Đảng về khoa học công nghệ đến toàn thể cán bộ chủ chốt của các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tổ chức cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân học tập nghị quyết, chỉ thị đạt 80-95%.

 

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được chú trọng, công tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Để phá thế tự cung, tự cấp của những năm đầu mới thành lập, huyện chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Duyên hải nam Trung bộ và Viện Môi trường Phát triển bền vững, xây dựng bản đồ hiện trạng, sử dụng bản đồ vệ tinh để quy hoạch đất đai phục vụ sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của từng tiểu vùng, hình thành nên các vùng chuyên canh như cây cà phê, cao su, cây rau, hoa vụ đông… Huyện đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất ở hầu hết các xã, thị trấn như mô hình nhân giống lúa thơm, mô hình thanh long ruột đỏ, mô hình thử nghiệm giống khoai lang nhật bản… Phối hợp và ký kết với cơ sở khoa học chuyển giao khoa học công nghệ và cung ứng giống cây trồng xen canh trên cạn cho nhân dân; nhằm giảm bớt rủi ro cho người nông dân, huyện triển khai vườn ươm thực nghiệm để tuyển chọn những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

 

Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm huyện đã thực hiện cơ khí hóa các khâu tưới tiêu nước, làm đất, tuốt lúa; riêng với cây cà phê, huyện chủ trương nâng cao chất lượng và đã xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”; tổ chức hiệu quả mối liên kết “Bốn nhà” đưa các loại cây trồng như lúa lai, ngô lai, sắn cao sản vào sản xuất chiếm tỷ lệ trên 80% diện tích gieo trồng. Về lĩnh vực chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm đều tăng trưởng qua các năm. Các giống kỹ thuật được đưa vào chăn nuôi theo hướng nạc hóa đàn lợn, sinh hóa đàn bò, phát triển nuôi trồng thủy sản…Trong công nghiệp, đã đưa các thiết bị dây chuyền sản xuất tiên tiến vào công nghệ chế biến cà phê, cao su; sản suất vật liệu xây dựng…phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị cạnh tranh trên thị trường như : Cà phê Đăk Hà, cao su… Đã thử nghiệm và áp dụng thành công mô hình biogas composite trên địa bàn 7 xã, thị trấn giúp nhân dân tiết kiệm ga, củi đốt, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Về công nghệ thông tin, đến nay 9 xã, thị trấn của huyện đã có máy điện thoại cố định, kết nối Internet; huyện đã phủ sóng điện thoại di động, phủ sóng truyền hình đạt 100%; sóng phát thanh đạt 95%. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị máy móc cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được trang bị đầy đủ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Mỗi năm tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Số hộ nghèo giảm dần qua các, năm 2011 giảm còn 21,01%, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

 

LDT theo (kontum.gov.vn)  

Tác giả: LDT theo (kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan