A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đăk Hà: Tác động tích cực từ chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong việc quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, huyện Đăk Hà đã tích cực đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất cho người dân.
Huyện Đăk Hà: Tác động tích cực từ chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất Vườn cà phê ứng dụng chế phẩm sinh học ở thị trấn Đăk Hà trong niên vụ 2012.

Theo UBND huyện, bên cạnh nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ theo chỉ tiêu kế hoạch, hàng năm UBND huyện bố trí thêm từ 3-3,5% ngân sách địa phương đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Tổng nguồn vốn đầu tư cho KH&CN từ năm 2010-2012 gần 22 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh 300 triệu đồng, ngân sách huyện 13,83 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 6,52 tỷ đồng và vốn nhân dân tham gia mô hình gần 1,3 tỷ đồng). Từ nguồn vốn đầu tư này, huyện đã triển khai thực hiện các đề tài, đề án, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất cho người dân. Theo đó, nhiều mô hình như mô hình biogas, hoa lyly, khoai lang Nhật Bản, thanh long ruột đỏ, cà phê bền vững, nhím, heo rừng sinh sản hay chương trình sản xuất lúa giống, cao su tiểu điền, bời lời đỏ, sử dụng chế phẩm sinh học…đang được triển khai có hiệu quả ở địa phương.  

Theo đánh giá, ở mô hình biogas composite, huyện đã lắp đặt 31 bể biogas/31 hộ tại 7 xã, thị trấn. Các hộ ứng dụng biogas không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi mà còn tạo ra nguồn năng lượng để đun nấu, điện thắp sáng…tiết kiệm được một khoản chi phí trong sinh hoạt. Thấy được hiệu quả kinh tế và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhiều hộ gia đình khác đã học tập làm theo.

Ở mô hình hoa lyly, huyện đã hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cho 2 hộ (xã Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà) sản xuất 0,5 ha với 4 loại giống ly ly: Sorbonne, Yelloween, Lakecarey, Marlon. Cây lyly sinh trưởng tốt, cho bông dài, to, màu sắc đẹp và thơm. Hoa ly ly sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường trên địa bàn trong dịp Tết. Điều đó cho thấy, cây ly ly phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương và có thể nhân ra diện rộng ở huyện. Ở mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, năm 2012 huyện đã cho triển khai 10 ha cà phê, 3 ha cao su và 10 lúa nước; năm 2013 là 100 ha cà phê, 55,4 ha lúa. Theo đánh giá, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học đã cải tạo vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi, hạn chế được nhiều mầm bệnh. Vườn cà phê sử dụng chế phẩm sinh học sinh trưởng tốt, hạt chắc, bóng, năng suất lại tăng cao hơn. Sử dụng chế phẩm sinh học năng suất lúa bình quân vụ mùa đạt bình quân 59 tạ/ha, tăng 10-15 tạ/ha so với ruộng lúa không sử dụng chế phẩm. Ở chương trình sản xuất lúa giống, huyện đã triển khai sản xuất 37 ha lúa HT1 vụ đông-xuân 2011-2012 và 12 ha lúa HT1 vụ đông-xuân 2012-2013 năng suất lúa đạt 80 tạ/ha. Huyện đã tổ chức thu mua và chuyển giao giống cho nhân dân các xã, thị trấn sản xuất. Ở mô hình cây trồng cạn, huyện triển khai hàng loạt các loại cây như: lúa LC 94-4, LC 93-1, ngô lai LVN 99, LVN 61, ngô nếp MX2, đậu tương DT 2008 xen trong cây cao su, sắn cao sản KM 140, KM 79, khoai lang Nhật Bản, thanh long ruột đỏ… đã hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật cho người dân sản xuất. Nhiều loại cây trồng cạn này cũng đang hứa hẹn về chất lượng, hiệu quả kinh tế và có thể nhân ra diện rộng.  

Đặc biệt, trong 3 năm qua, huyện triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất nương rẫy trồng sắn bạc màu sang trồng cây cao su tiểu điền. Theo đó, huyện đã hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng hơn 2.000 ha cao su tiểu điền trên đất nương rẫy bạc màu, nâng diện tích cao su trên địa bàn huyện lên 6.676,51 ha. Cùng với diện tích cao su tiểu điền được trồng trước đó, đến nay, huyện có trên 4.500 ha cao su tiểu điền. Cây cao su tiểu điền đã và đang góp phần cho nhiều hộ gia đình nâng cao đời sống và làm giàu bền vững.

Ở mô hình vật nuôi, huyện đã hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho 2 hộ ở xã Ngọc Wang nuôi 2 cặp nhím và 7 hộ xã Đăk Pxi nuôi heo sọc dưa (2 con heo giống/hộ). Con nhím, heo rừng được các hộ nuôi thử nghiệm cũng đang sinh trưởng tốt. 

Bên cạnh đó, huyện còn tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột; sản xuất cà phê bền vững (4C) để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho người dân. Sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu Đăk Hà được Hiệp hội người tiêu dùng bình chọn trong tốp 500 sản phẩm có chất lượng của cả nước. Thương hiệu cà phê 4C ở huyện đã đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng khó tính ở châu Âu và được họ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm 200 đồng/kg cà phê nhân.   

Với việc quan tâm đầu tư KH&CN, chuyển giao KHKT vào sản xuất, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà có nhiều bước phát triển, ngày càng đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân.

theo tin: (kontum.gov.vn)  

Tác giả: theo tin: (kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan