A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà - Phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh, Đăk Hà được đánh giá là địa phương có tiềm lực về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gần đây nhất là chính sách “dồn điền đổi thửa”, Đăk Hà đang phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh.
Đăk Hà - Phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp Ảnh: Chuyển đổi diện tích trồng mỳ sang trồng cà phê của người dân xã Đăk Ngọk

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà xây dựng Chương trình trọng tâm phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QPAN trên địa bàn nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó có chương trình tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững giai đoạn 2010-2015, Nghị quyết về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, có thể khẳng định, Đăk Hà đã vận dụng khá linh hoạt các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương tập trung hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực theo hướng ổn định diện tích cà phê, lúa nước, tăng diện tích cao su; nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng hàng năm; ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống mới vào sản xuất...

Nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm cà phê, đưa cây cà phê thực sự là loại cây trồng mũi nhọn, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Tiến hành thành lập Hội cà phê Đăk Hà, địa phương đã quy định thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín đạt 95% trở lên, xuất cà phê ra khỏi địa bàn phải là cà phê nhân và sử dụng bao bì có in logo “cà phê Đăk Hà”, triển khai thực hiện quy trình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, sử dụng chế phẩm sinh học để trẻ hóa vườn cà phê già cỗi...

Có thể nói chủ trương xây dựng thương hiệu "Cà phê ĐăkHà" là bước đột phá quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện. Chủ trương này được doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ và tạo ra hiệu quả hết sức to lớn, vừa tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân làm cà phê từ 10 - 15 triêu đồng/ha, vừa đưa lại nguồn thu cho ngân sách huyện, vừa nâng cao vị thế của huyện Đăk Hà trong quá trình hội nhập và phát triển.

Để giúp người dân thoát nghèo bền vững và hạn chế tình trạng thoái hoá đất do hiện tượng xói mòn, sản xuất manh mún, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo thành công chủ trương "Dồn điền đổi thửa", "Lấy ngắn nuôi dài", chuyển đổi diện tích đất bạc màu, kém hiệu quả, đất trống để phát triển cao su, bời lời. Được nhân dân hưởng ứng tích cực, trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã phát triển được 1.671 ha cao su, nâng diện tích cao su toàn huyện lên 6.990 ha; trồng mới 2.159 ha bời lời.

Đối với diện tích cây trồng hàng năm, huyện chú trọng đầu tư thâm canh, tăng vụ, trồng xen, tăng năng suất cây trồng. Thông qua mối liên kết "4 nhà”, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đầu tư xây dựng các mô hình, đưa các loại giống cho năng suất chất lượng cao vào sản xuất như: lúa lai, bắp lai, mỳ cao sản và đã xác định 18 bộ cây con phù hợp với đồng đất ĐăkHà; đồng thời vận động, hỗ trợ nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học và đưa giống mới cho năng suất cao vào sản xuất. Đến nay đã có 2.346 ha/6.161 hộ sử dụng chế phẩm sinh học, 100% diện tích cao su, mỳ sử dụng giống mới, 80% diện tích lúa nước, bắp sử dụng giống mới. Từ đó, sản lượng, chất lượng cây trồng từng bước được nâng lên, tăng thêm thu nhập cho người nông dân từ 10 - 50 triệu đồng/ha.

Điểm nhấn nổi bật trong phát triển cây hàng năm là Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động, hướng dẫn bà con nông dân phát triển cây vụ Đông. Từ chỗ phát triển còn manh mún, đến nay, cây vụ Đông đã được các xã Đăk La, Hà Mòn, Đăk Ui, thị trấn Đăk Hà… đưa thành vụ sản xuất chính với diện tích gieo trồng trung bình hàng năm trên 500 ha, nhiều hộ gia đình đạt giá trị thu nhập sản xuất vụ Đông trên 30 triệu đồng/ha.

Trong chăn nuôi, huyện chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững, hợp lý gắn với triển khai các dự án, mô hình chăn nuôi chất lượng như: phát triển đàn trâu, bò, heo sọc dưa trong vùng DTTS; chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học; mô hình nuôi cá chất lượng cao như cá lăng, diêu hồng, cá rô phi đơn tính... Hiện, tổng đàn gia súc lên đến 23.900 con, gia cầm 155.000 con và tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 510 ha với tổng sản lượng 735 tấn, tăng 53,5% so với năm 2010.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 được Đảng bộ huyện Đăk Hà đặt ra là phấn đấu trở thành huyện trọng điểm của tỉnh về sản xuất nông nghiệp. Giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này được Đăk Hà lựa chọn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Với hướng đi này, Đăk Hà tiếp tục rà soát, điều chỉnh sắp xếp hợp lý việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt phương châm giảm diện tích cây trồng kém hiệu quả, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm; định hướng nhân dân phát triển cây trồng hợp lý, ổn định diện tích cây cà phê, không chặt bỏ cây cao su; thực hiện các chính sách hỗ trợ, cho vay tái canh cây cà phê già cỗi, năng suất kém trên địa bàn; phấn đấu mỗi hộ dân vùng DTTS có ít nhất 1 ha cây công nghiệp dài ngày.

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi để mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ; đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, trang thiết bị có công nghệ cao; tận dụng diện tích đất vườn, đất chưa sử dụng phát triển đồng cỏ, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng, tái sinh và khai thác các nguồn lợi thuỷ sản; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển rừng thông qua việc phát triển diện tích cây bời lời, cây phân tán để người dân có thể hưởng lợi và sống bằng nghề rừng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, hợp tác xã để tạo việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản...

Để phấn đấu trở thành huyện trọng điểm của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, Đăk Hà đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, phấn đấu mỗi hộ gia đình vùng DTTS có ít nhất 1 ha cây công nghiệp dài ngày.

Tú Quyên (Báo Kon Tum)  

Tác giả: Tú Quyên (Báo Kon Tum)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan