A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Ngày 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực; Nghị định gồm 124 điều 09 chương.
Xử lý nghiêm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Công an huyện Đăk Hà làm việc với đối tượng chia sẻ thông tin sai sự thật

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao dịch điện tử.

 Theo đó, đối tượng bị xử phạt quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định, gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.

 Nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

 Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

 Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

 Cùng với đó, mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Đối với hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, Nghị định này quy định rõ tại Điều 99, trong đó, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu...

 Tại Điều 116 Nghị định nêu rõ thẩm quyền xử phạt của các cấp trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó, lực lượng Công an nhân dân có quyền Phạt cảnh cáo; Phạt tiền lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, bưu chính, giao dịch điện tử; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Tại huyện Đăk Hà, từ thàng 3/2020 đến nay, cơ quan Công an huyện đã phát hiện, xử lý đối với 07 trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc chia sẻ, đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội FaceBook. Trong đó, phạt hành chính một đối tượng với sơ tiền 10 triệu đồng do đưa thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19. Phạt cảnh cáo 03 trường hợp và nhắc nhở 03 trường hợp có hành vi chia sẻ, phát tán thông tin không đúng sự thật về diễn biến dịch Covid – 19. Các đối tượng này sau khi được triệu tập, nhắc nhở đã nhận ra hành vi sai phạm của mình và chủ động khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân vì thiếu hiểu biết hoặc vì tư tưởng câu view, câu like trên mạng xã hội mà vẫn cố ý vi phạm. Đối với các đối tượng này, sẽ được cơ quan công an huyện triệu taajop và xử lý thích đáng theo quy định.

Trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Ngoài việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các ngành liên quan.Mỗi tổ chức, cá nhân cần thực hiện nghiêm việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận và trực tiếp biến mình thành người vi phạm pháp luật.

 

Trọng Nghĩa  

Tác giả: Trọng Nghĩa  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan