A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tạo ra chuỗi sản xuất tăng năng suất, chất lượng cà phê Đăk Hà

Sau khi có Quyết định 2901 của Bộ NN&PTNT ngày 4/7/2017, Dự án xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết tổ chức ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cải tạo, thâm canh để kéo dài chu kỳ kinh doanh cây cà phê tại xã Đăk Mar, Hà mòn và Thị trấn Đăk Hà tiếp tục được điều chỉnh và thực hiện.
Cần tạo ra chuỗi sản xuất tăng năng suất, chất lượng cà phê Đăk Hà (Ảnh: Ông Đinh Vũ Thanh (đứng thứ 2)-Phó vụ trưởng vụ KHCN&MT Bộ NN&PTNT kiểm tra kết quả thực hiện dự án tại xã Đăk Mar)

Đây là Dự án thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”, được điều chỉnh thực hiện đến hết năm 2017, với tổng kinh phí thực hiện từ đầu dự án trên 11 tỷ đồng. Trong đó nguồn Ngân sách sự nghiệp KHCN TW 5,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của ngân sách địa phương 194 triệu đồng và vốn đối ứng của hộ dân tham gia dự án 6,2 tỷ đồng. Dự án do các cơ quan chủ trì chuyển giao công nghệ là: Viện nghiên cứu sản phẩm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao; Công ty cổ phần Thanh Hà; Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thủy điện Tràng An; Viện Khoa học Kỹ thuật nông Lâm nghiệp Tây nguyên.  

Hiện tại, dự án đã hoàn thành việc chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học và trong năm 2016, 2017 đang tiếp tục thực hiện công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới "đầu Béc áp lực cao"(thay cho hệ thống tưới ống mềm phun mưa) cho khoảng 100 ha cây cà phê trên 20 năm tuổi tại các xã Đăk Mar 30 ha, Hà Mòn 40ha, thị trấn Đăk Hà 30ha. Dự án thành công sẻ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội giúp địa phương có những định hướng trong phát triển ứng dụng KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; cải tạo, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các vườn cà phê năng suất thấp, kéo dài chu kỳ kinh doanh và nâng cao tăng thu nhập cho người dân. Với mục tiêu cụ thể  tăng năng suất cà phê gấp 1,5 lần, cải tạo trẻ hóa, kéo dài tuổi thọ vườn cây, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu đặt ra, sản xuất cà phê sạch, mang tính bền vững.

(Ảnh: Ông Đinh Vũ Thanh (đứng thứ 2)-Phó vụ trưởng vụ KHCN&MT Bộ NN&PTNT kiểm tra mô hình tại xã Hà Mòn)

Tuy nhiên, để dự án thực sự mang lại hiệu quả thì các Cơ quan chủ trì chuyển giao công nghệ cần phối hợp tốt với chủ dự án, đơn vị thực hiện và các hộ nông dân tham gia dự án trong tổ chức đánh giá kết quả cụ thể, xác định những vấn đề trọng tâm mà dự án cần giải quyết; chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp công nghệ tưới tiết kiệm nước; xây dựng mô hình liên kết trong cải tạo vườn cà phê theo chuỗi giá trị giữa các hộ trồng cà phê, đơn vị cung ứng giống, vật tư, cơ quan chuyển giao kỹ thuật. Mặt khác phải có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý và chuyên môn, trong đó địa phương đóng vai trò là đơn vị xác định nhu cầu, kết nối, tiếp nhận công nghệ chuyển giao, đào tạo nhân lực và xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGap của Bộ NN & PTNT tạo ra chuỗi sản xuất an toàn, hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng cà phê giúp bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thế Quỳnh (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  

Tác giả: Thế Quỳnh (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan