A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương binh Nguyễn Vươn – Điển hình cho phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Là một trong những thương binh trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc, ông Nguyễn Vươn ở TDP 9, TT Đăk Hà không chỉ là một người lính kiên cường trong chiến đấu mà còn là một tấm gương mẫu mực ở khu dân cư, tích cực tham gia vào công tác xã hội cũng như các hoạt động của địa phương.
Thương binh Nguyễn Vươn – Điển hình cho phẩm chất bộ đội Cụ Hồ Cựu chiến binh Nguyễn Vươn kể về hồi ức chiến tranh

Những ngày cuối tháng 7, thời điểm mà cả nước thành kính tri ân công lao của những người thương binh, liệt sỹ đã hy sinh xương máu và cả thân mình vì nền độc lập tự do của dân tộc, chúng tôi có dịp về thăm gia đình ông Nguyễn Vươn – thương binh hạng 4/4 ở Thị trấn Đăk Hà để nghe ông kể về một thời ký ức hào hùng. Ông sinh năm 1942, ở Lệ Thủy – Quảng Bình, năm 1965, ông hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Đảng, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, với tinh thần chiến đấu kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh. Năm 1972, trong trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị - một trong những trận chiến ác liệt, ông Vươn đã chiến đấu dũng cảm và bị thương nặng. Ông kể lại: “Nói chung lúc đó không sợ chết nữa, vì là đồng đội một là hy sinh rồi, hai là bị thương thì cho anh em tự lui về sau còn một mình mình ở lại để bảo vệ cho anh em được lui. Bởi vì khi chiến đấu mình bị thương nhưng bị thương nhẹ cho nên vẫn tiếp tục chiến đấu. Mà cũng xác định đó là hy sinh chứ không có hy vọng là sống đâu. Còn về tinh thần tư tưởng sống chết với kẻ thù thì thực tế là tuổi trẻ lức đó là không suy nghĩ gì cả. Sống thì sống mà chết thì chết, mà cũng sẵn sàng chết để bảo vệ cho được mảnh đất mình đã bỏ công ra chiến đấu và giữ gần một năm trời mà để địch chiếm lại là cái điều mà cán bộ, chiến sỹ không ai muốn cả. Cho nên trong tâm tư nguyện vọng vẫn là làm sao hoàn thành được nhiệm vụ, giữ được đất./.

Với tinh thần quả cảm, vượt qua mọi nỗi đau về thể xác, sau lần bị thương đó, ông Vươn lại tiếp tục sát cánh cùng đồng đội, xông pha trên chiến trường cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1982, ông theo Sư đoàn 331 vào Tây Nguyên, tiếp tục cống hiến sức mình trên mặt trận kinh tế, cùng đồng đội và bà con nhân dân khôi phục vết thương chiến tranh, xây dựng đời sống mới và tích cực tham gia công tác xã hội. Ở cương vị nào ông cũng cống hiến hết sức mình và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhận xét về Cựu chiến binh Nguyễn Vươn, ông Phan Tiến Dũng – Cán bộ Thương binh xã hội, UBND TT Đăk Hà cho biết: Về cuộc sống đời thường đấy thì ông gương mẫu, các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, rồi các cuộc họp của thôn thì lúc nào cũng tham gia và đóng góp xây dựng cho chính quyền địa phương, TDP. Về an ninh trật tự của đơn vị cũng đảm bảo. Thứ hai nữa về gia đình thì phát triển kinh tế bền vững, con cái trưởng thành, các cháu bây giờ có nghề nghiệp ổn đình, gia đình hạnh phúc./.

Giờ đây, khi đã gần 75 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, với rất nhiều huân, huy chương: Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, danh hiệu Chiến sỹ Giải phóng, Chiến sỹ Vẻ vang... Với tỷ lệ thương tật 31% và ảnh hưởng chất độc da cam Dioxin tỷ lệ 35%, nhưng ông vẫn coi đó là sự may mắn vì còn được sống, được cống hiến. Bởi vậy, dù làm gì, trên cương vị nào thì sức lực còn đến đâu ông sẽ còn cống hiến đến đó, không thể đóng góp sức lao động thì tham gia đóng góp trong công tác vận động, tham mưu với chính quyền địa phương, gần gũi với nhân dân. Mục tiêu phấn đấu suốt đời của ông chính là không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp của Người lính Cụ Hồ. Ông chia sẻ: Từ chỗ là một cán bộ chiến sỹ chiến đấu trong quân đội rồi về đời thường. Bây giờ là người dân nhưng mà già lão rồi thì bản thân cũng cố gắng làm sao giữ gìn cái truyền thống, rồi giáo dục con cái làm sao phát huy cái truyền thống ông cha, truyền thống dân tộc để mà xây dựng quê hương đất nước. Còn mong sao thế hệ trẻ càng ngày càng có năng lực, trình độ thì càng phải phát huy hơn nữa truyền thống cha ông rồi đồng thời là phát huy năng lực để cống hiến sức mình cho đất nước./.

Ông Vươn chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình

Dũng cảm trong thời chiến, mẫu mực trong thời bình. Ông Nguyễn Vươn chính là điển hình trong xã hội, là hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Tuổi trẻ cống hiến cho nền độc lập tự do của dân tộc, về già cống hiến cho địa phương, xứng đáng để mỗi chúng ta trân trọng, học tập và noi theo. 

 

Thu Hương-Trọng Nghĩa (Đài TT-TH Đăk Hà)  

Tác giả: Thu Hương-Trọng Nghĩa (Đài TT-TH Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan