A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019)

* Báo chí cách mạng Việt Nam: Phát huy vai trò là cơ quan ngôn luận của Đản
Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam  (21/6/1925-21/6/2019) ( Ảnh: PV Đài TT-TH Đăk Hà tác nghiệp tại buổi làm việc của Đ/c Ngô Văn Dụ- UV BCT- Bí thư TW Đảng – Chủ nhiệm UBKT TW làm việc tại huyện Đăk Hà năm 2013)

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2.6.1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7.1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. Tháng 2.1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21.6.1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân. Ngày 21.6.2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

 

( Ảnh: PV Đài TT-TH Đăk Hà tác nghiệp tại Lễ giao, nhận quân năm 2018)


( Ảnh: PV Đài TT-TH Đăk Hà tác nghiệp tại Lễ giao, nhận quân năm 2018)

 * Trung tâm VH-TT-DL & TT Huyện Đăk Hà: Phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hoá, tư tưởng ở địa phương

Đài truyền thanh, truyền hình huyện Đăk Hà  (nay là Trung tâm VH-TT-DL & TT), mặc dù chưa được công nhận là cơ quan Báo chí. Nhưng với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động cũng tương đồng như một tổ chức cơ quan báo chí thực sự. Có vai trò quan trọng thông tin, truyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đến với đông đảo quần chúng Nhân dân. Phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình, là nhân tố mới tạo động lực thúc đẩy, cổ vũ mạnh mẽ phong trào hành động Cách mạng, phong trào thi đua yêu nước …Bởi vậy, trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, xứng đáng là diễn đàn và là cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”.

Đồng hành cùng sự hình thành, phát triển của Huyện Đăk Hà trải qua hơn 25 năm xây dựng. Sau 1 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994), không lâu sau đó chương trình thời sự địa phương của Đài TT-TH huyện được xây dựng và phát sóng chương trình đầu tiên, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày Giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1995). Trong điều kiện là một trạm (trực thuộc Phòng văn hoá thông tin - thể thao), đến tháng 4/1997 Đài được chia tách thành đơn vị độc lập (theo QĐ 81, ngày 22/4/1997 của UBND huyện Đăk Hà). Từ đó, không ngừng được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành...Nhờ vậy, đến nay công suất máy phát đã được nâng cấp từ 50 W lên tổng công suất máy phát 2,5 KW, chuyển tiếp, phát sóng trên cả 3 kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV3 và kênh FM. Tăng thời lượng phát sóng từ 18 giờ lên 38 giờ/ngày trên sóng truyền hình, 16 giờ trên ngày trên sóng phát thanh (gấp 7 lần so với năm 2007); Chương trình thời sự địa phương không ngừng được đổi mới về nội dung, hình thức, chất lượng, thời lượng. Từ 2 chương trình lên 5 chương trình/tuần, đảm bảo mỗi chương trình từ 15 đến 30 phút. Bên cạnh mở các chuyên mục theo các chủ đề, chủ điểm tuyên truyền những ngày lễ trọng đại của đất nước, sự kiện chính trị ở địa phương.

Tính riêng trong năm 2018, Đài đã xây dựng và phát sóng 245 chương trình thời sự địa phương, 06 trang địa phương phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh với gần 900 tin, bài, phóng sự. Nội dung tuyên truyền luôn gắn với Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị và sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương; kịp thời phát hiện biểu dương, giới thiệu các điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước... luôn được sự đón nhận của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Hệ thống truyền thanh không dây được đầu tư, đảm bảo 100% thôn, làng có hệ thống loa truyền thanh không dây kỹ thuật số, nâng tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình trên 90%.

Ngoài việc đảm bảo thông tin phát trong các chương trình thời sự địa phương,  Đài đã tích cực tham gia cộng tác, giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế ở địa phương trên các thông tin đại chúng. Tiêu biểu như các mô hình hay, cách làm mới và sự vận dụng linh hoạt các Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh,thực hiện chính sách an sinh xã hội...Các tin bài ngoài tính tuyên truyền, còn mang tính phát hiện, gợi mở và nhận được sự quan tâm của các địa phương trong tỉnh và cả nước. Trong năm 2018, Đài TT-TH huyện đã tham gia cộng tác trên 150 tin, bài, phóng sự ở nhiều lĩnh vực, đề tài và thể loại phát trên sóng Đài tỉnh, đăng trên báo Kon Tum. Ngoài ra còn phối hợp với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiều bài viết tuyên truyền tại huyện…

Ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa đã ký Quyết định số 210/ QĐ-UBND - Quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà. Theo đó, Trung tâm Văn hóa -Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Thư viện, thông tin lưu động và Nhà văn hóa thanh thiếu niên huyện. Có vị trí là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện…; Chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND huyện; đồng thời chịu sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của Phòng Văn hóa - Thông tin, Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Văn Hóa thể thao & Du lịch và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.

Trung tâm có chức năng: Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phối hợp hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và truyền thanh thanh cơ sở; tổ chức cung ứng dịch vụ công; đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân trên địa bàn huyện.

Với những chức năng, nhiệm vụ mới,  với nhiều lĩnh vực như hiện nay. Cần đòi hỏi sự nổ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức trong đơn vị để Trung tâm VH-TT-DL&TT ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, rất mong nhận được sự quan tâm của ngành chuyên môn cấp trên, của lãnh đạo địa phương và sự đón nhận thông tin của khán, thính giả luôn là niềm động viên khích lệ, là động lực và điều kiện tiên quyết để tập thể Trung tâm VH-TT-DL&TT ngày càng làm tròn nhiệm vụ:  Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin truyền thông thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đáp ứng tốt hơn về nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân trên địa bàn huyện.

 

Thế Quỳnh (Trung tâm VH-TT-DL & TT huyện Đăk Hà)  

Tác giả: Thế Quỳnh (Trung tâm VH-TT-DL & TT huyện Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan