A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà – Vượt lên nỗi đau Da cam

Trở lại với cuộc sống thường ngày sau những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Dù phải đối mặt với những nỗi đau nỗi đau tinh thần và thể xác. Song, cùng với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội… các nạn nhân Da cam/Điôxin tại huyện Đăk Hà càng thấm thía hơn nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Động viên, giúp dỡ nhau dìu nhau qua ám ảnh và bi thương để vươn lên trong cuộc sống thường ngày.
Đăk Hà – Vượt lên nỗi đau Da cam Bí thư Huyện ủy Đăk Hà tặng quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam Điôxin nhân kỷ niệm ngày vì nạn nhân chất độc Điôxin

Năm 1969, vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Đỗ Văn Tuyển (Sinh năm 1949 ở tỉnh Thái Bình) đã xung phong tham gia quân ngũ để cùng nhân dân cả nước hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đến khi hòa bình lập lại, những tưởng niềm vui thống nhất sẽ trọn vẹn khi được phục viên về quê hương. Song, Cựu Chiến binh Đỗ Văn Tuyển không được may mắn như những người đồng chí, đồng đội khác khi phải gánh chịu thêm một nỗi đau to lớn là người con trai ông – anh Đỗ Đăng Khoa, sinh năm 1975 ngay từ nhỏ đã bị di chứng nặng nề của chất độc Da cam/Đi-ô-xin.

Lãnh đạo huyện Đăk Hà tặng quà cho các gia đình nạn nhân chất độc Da cam

Những năm 1980, gia đình ông Tuyển chuyển vào sinh sống và làm kinh tế tại Xí nghiệp chăn nuôi thuộc Nông tường 701 (Nay là xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà). Chỉ trong vòng hai năm, di chứng của chất độc Da cam khiến ông bị thêm hai lần tai biến, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Nhìn đứa con trai chân tay co quắp, những cơn đau thể xác dày vò bất kể ngày – đêm… vợ ông Tuyển – bà Đỗ Thị Nụ, nhiều lần tưởng chừng không thể vượt qua thử thách của số phận khi một vai vừa lo lắng kinh tế gia đình, vừa chăm sóc chồng. Còn một bờ vai để dành trọn vẹn cho người con không may mắn của mình…

Mô hình kinh tế V-A-C của gia đình nạn nhân chất độc Da cam/Điôxin Tạ Hưng Yên tại thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk, Đăk Hà

 

Song, không bi quan trước số phận nghiệt ngã, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Đặc biệt là sự động viên, khích lệ của những người đồng đội cũng là nạn nhân chất độc Da cam. Bà đã đứng vững gánh vác được chừng ấy lo toan để ổn định kinh tế gia đình và chăm sóc chồng hồi phục sức khỏe.

Được thành lập ngày 01/4/2008, những năm qua, Hội nạn nhân chất độc Da cam/Đi-ô-xin huyện Đăk Hà đã phát huy được tinh thần tích cực, chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức hội, đề xuất, tư vấn, phản biện, phối hợp ban hành các chủ trương về giải quyết hậu quả chất độc hóa học và vận động nguồn lực để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân Da cam/Điôxin trên địa bàn huyện.

Mô hình kinh tế V-A-C của gia đình nạn nhân chất độc Da cam/Điôxin Đào Văn trì ở thôn 3, xã Đăk La, huyện Đăk Hà

Cũng từng viết đơn tình nguyện đi bộ đội, từng cầm súng chiến đấu khắp các chiến trường Miền Nam trong chiến tranh. Đến khi đất nước thống nhất, ông Đào Văn Trì (Sinh năm 1949 ở quê hương Hà Tây) dù phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác do ảnh hưởng chất độc Da cam. Ông vẫn quyết tâm cùng gia đình tiếp tục cuộc hành trình vào vùng đất Tây Nguyên để xây dựng vùng kinh tế mới. Bằng nghị lực kiên cường của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông đã mạnh dạn khai hoang phục hóa vùng đất khô cằn. Xây dựng nên mô hình kinh tế V – A – C có quy mô trên 3 hecta, trị giá hàng tỷ đồng tại thôn 3, xã Đăk La, huyện Đăk Hà.

Từ chỗ đời sống kinh tế khá giả hơn trước, con cái trưởng thành. Đến nay, ở tuổi 70, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội từ thôn đến tổ chức hội nạn nhân chất độc Da cam/Đi-ô-xin của huyện. Nhờ sự đồng cảm với nỗi đau thể chất lẫn tinh thần của những nạn nhân Da cam. Ông vẫn đang tích cực chung tay cùng địa phương và toàn xã hội để chia sẻ, chăm lo cho những nạn nhân không may mắn có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Điôxin huyện Đăk Hà cho biết: Với trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc Da cam khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng cảm, giúp đỡ của xã hội. Từ 2013 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Đi-ô-xin huyện Đăk Hà đã vận động, hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tình thương với tổng trị giá gần 200 triệu đồng cho các nạn nhân khó khăn về nhà ở; Tạo điều kiện cho 2 đối tượng vay 20 triệu đồng không lãi suất thời hạn 5 năm để tạo vốn sản xuất; hỗ trợ 8 con bò sinh sản, trị giá 128 triệu đồng và huy động gần 570 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ nạn nhân ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn. Riêng từ năm 2018 đến nay, Hội đã tiếp nhận và tặng 472 suất quà với tổng giá trị trên 87 triệu đồng cho các gia đình nạn nhân Da cam. Cùng với đó, các tổ chức hội cơ sở đã huy động được nguồn quỹ trên 165 triệu đồng từ chính những hội viên có điều kiện kinh tế ổn định hơn để giúp đỡ những người thiệt thòi hơn. Qua đó, góp phần chăm lo ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, gia đình hội viên.

Toàn huyện Đăk Hà có 396 Hội viên Nạn nhân chất độc Da cam/Đi-ô-xin. Trong đó, có 167 hội viên trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 200 Hội viên làm nhiệm vụ trong vùng phơi nhiễm. Cùng với đó, là 38 hội viên không may mắn khi di chứng đã lan sang thế hệ thứ 2, thứ 3.

Thời gian qua, xã hội đã có nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp để phần nào làm dịu đi những đau thương, mất mát của những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Nhưng bên cạnh những người đã và đang nỗ lực vượt lên số phận, làm giàu cho bản thân và cho quê hương, thì vẫn còn những gia đình, cá nhân đang chịu nhiều thiệt thòi cả về kinh tế cũng như hạnh phúc gia đình.

“Tinh thần là cũng động viên anh em nạn nhân Da cam là còn sức khỏe thì chúng ta còn phấn đấu. Một là tiếp tục cống hiến cho xã hội, hai là ổn định kinh tế gia đình. Vượt lên khó khăn, ổn định kinh tế thì phần nào cũng là đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương” - Ông Đào Văn Trì – Thôn 3, xã Đăk La, huyện Đăk Hà nói.

Cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người với con số 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc Da cam/Điôxin và trên 3 triệu nạn nhân đã và đang bị các bệnh tật như: suy giảm khả năng lao động, con cháu bị dị dạng, dị tật, tổn thương nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần… Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm, đồng cảm, sự sẻ chia bằng cả trái tim của toàn xã hội. Các nạn nhân Da cam/Đioxin trên địa bàn huyện Đăk Hà nói riêng và cả nước nói chung sẽ thêm nguồn động lực để nắm tay, dìu nhau vượt qua nỗi đau Da cam…

 

Trọng Nghĩa (Trung tâm VH-TT-DL & TT huyện Đăk Hà)  

Tác giả: Trọng Nghĩa (Trung tâm VH-TT-DL & TT huyện Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan