A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô đỡ thôn bản Y Teh thầm lặng cống hiến cho cộng đồng

Vui vẻ, thân thiện, dễ gần và chân thành… là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc, trò chuyện với chị Y Teh – Cô đỡ thôn bản tại thôn Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar (Huyện Đăk Hà). Và càng đáng trân trọng hơn, khi chúng tôi biết được những đóng góp mà bản thân chị đã thầm lặng cống hiến cho cộng đồng trong suốt hơn 8 năm gắn bó với công việc “Cô đỡ thôn bản”.
Cô đỡ thôn bản Y Teh thầm lặng cống hiến cho cộng đồng Chị Y Teh (đứng ngoài cùng bên phải) tại buổi gặp mặt cô đỡ thôn bản tiêu biểu nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề:

Sinh năm 1985 trong một gia đình có 8 người con. Điều kiện kinh tế khó khăn, cộng với những tập quán cũ của người dân tộc Rơ Ngao tại nơi mình sinh ra. Từ lúc nhỏ cho đến lúc lớn lên, chị Y Teh đã chứng kiến biết bao phụ nữ trong hai thôn Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar phải khổ sở khi trải qua những lần “vượt cạn”. Thậm chí, có nhiều trường hợp, cả sản phụ và đứa trẻ phải tử vong do không phát hiện và xử lý kịp thời. Xuất phát từ sự thương cảm trước những mất mát đó, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chị Y Teh đăng ký xin đi học làm bà đỡ và được nhà nước tạo điều kiện cho đi học chuyên môn trong thời gian 18 tháng tại bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh.

PCT nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Cô đỡ thôn bản Y Teh

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, chị Y Teh trở về quê hương bắt tay vào công việc mà mình đã chọn. Thế nhưng, trái với những lạc quan ngày đầu vào nghề, là vô vàn những khó khăn, vất vả đang chờ đón chị. Kể về khoảng thời gian bắt đầu công việc, chị Y Teh nhớ lại: Đặc thù địa phương nơi chị sinh sống, chủ yếu là người Dân tộc thiểu số, không những điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đường xá đi lại vất vả mà nhận thức của người dân lúc đó còn hạn chế. Bà con lúc đó còn sinh nhiều, sinh dày, việc sinh nở lại chủ yếu phụ thộc và các “Bà mụ vườn”. Nhiều người dân không dám cho chị đỡ đẻ vị quen tập quán cũ và chưa thể hiểu được công việc của mình. Có nhiều trường hợp, người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm nương rẫy, có những trường hợp đẻ “rơi”, tự sinh chứ không có người đỡ… Việc thuyết phục người dân bỏ đi các hủ tục là việc rất khó, người đi tuyên truyền bị mắng là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, còn có một khó khăn nữa là do chị bị tật bẩm sinh ở bàn chân trái, đi lại rất khó khăn. Mỗi lần có những ca trở dạ vào ban đêm, chị phải vất vả lắm, thậm chí phải nhờ người nhà chở đến để khám, đỡ đẻ. Có những hôm, đỡ đẻ xong, chị ở lại chăm sóc cho hai mẹ con sản phụ đến sáng mới có người chở về nhà. Có những lúc, chị cảm thấy mệt mỏi, không còn đủ sức để gắn bó với nghề nữa.

Nhớ lại một kỉ niệm đặc biệt khi làm nghề, cô đỡ Y Teh kể: Năm 2015, đúng thời điểm chị nản chí, có ý định bỏ nghề để có thời gian làm việc nhà phụ giúp bố mẹ đã già yếu thì xảy ra một vụ sản nạn nghiêm trọng làm một sản phụ và một trẻ sơ sinh tử vong. Thời điểm đó, có một phụ nữ trong thôn đến ngày sinh nhưng vẫn chủ quan, tự sinh ở nhà mà không tìm người đỡ đẻ. Chỉ sau khi sinh 4 tiếng đồng hồ, thấy tình hình bất ổn mới gọi chị Y Teh đến nhưng không kịp. Bà mẹ và đứa trẻ đã tử vong trước khi chị Teh đến nơi. Chứng kiến sự mất mát vô cùng to lớn của gia đình sản phụ, cùng với sự động viên kịp thời của Bác sỹ Nguyễn Hồ Định – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, chị đã từ bỏ ý định bỏ việc và càng quyết tâm gắn bó với nghề hơn để vận dụng những kiến thức của mình đã được học, cống hiến cho cộng đồng.

Mỗi đứa trẻ sinh ra là niềm hạnh phúc của cô đỡ

Khi hỏi về những ca đỡ đẻ làm chị thấy vui, chị không ngần ngại kể về 2 ca sinh mới đây. Nhờ sự can thiệp kịp thời của chị, đã cứu được sinh mạng hai sản phụ ở cùng thôn. Lúc gần 5 giờ sáng ngày 29 Tết Nguyên đán 2018, chị Y Đăng, sinh năm 2000 trở dạ sinh đứa con đầu lòng. Dù được chi Teh tư vấn từ trước, song khi gần sinh, gia đình chị Y Đăng vẫn không gọi cô đỡ mà chỉ gọi “Bà mụ vườn” đến đỡ đẻ. Sau hồi lâu không đẻ được, thai phụ đau dữ dội, khó thở, gia đình mới gọi chị Teh đến hỗ trợ. Chị khám và phát hiện thai ngược, không thể đỡ đẻ thường nên vội vàng kêu xe đến chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau gần một tiếng trong phòng mổ, sản phụ hạ sinh được một bé trai nặng 3,4kg trong hạnh phúc vỡ òa của gia đình và đội ngũ Y, Bác sỹ tham gia ca mổ cấp cứu.

Hay như trường hợp của chị Y Ngoan (sinh năm 1995) cùng thôn, vào ngày 06/3/2018, chị Y Ngoan, trở dạ sinh đứa con thứ hai. Sau khi sinh được 20 phút, sản phụ bị xuất huyết nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng. Chị Y Teh lúc đó đã kịp thời gọi xe Taxi chở cả hai mẹ con đến bệnh viện cấp cứu kịp thời… Nhìn những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, chị thấy rất vui vì công sức tuyên truyền, vận động của mình đã đạt hiệu quả. Người dân đã nhận thức được việc đến các cơ sở y tế tuyến trên để sinh đẻ cho an toàn.

Mong muốn được quan tâm, hỗ trợ

Gần 8 năm gắn bó với công tác cô đỡ thôn bản với lý do rất đơn giản là thấy chị em khi sinh đẻ khổ quá, thương đồng bào và mong muốn giúp đỡ dân làng, chị quyết tâm đi học làm cô đỡ thôn, bản… Dù không có tiền phụ cấp, không có cả phương tiện đi lại, dù đêm hay ngày, mưa hay nắng, không quản ngại xa xôi, chị vẫn nhiều lần đi bộ đến đỡ đẻ cho người dân khi họ cần. Trang bị duy nhất của chị hiện nay là một túi vật dụng dùng khi đỡ đẻ như bank, kéo… nhưng vẫn có một số đồ phải tự bỏ tiền mua như kẹp rốn, băng rốn, cồn, găng tay… Có những khi vì bận việc nương rẫy, việc nhà, người dân gọi đỡ đẻ mà mình chưa kịp mua thì phải nhờ người nhà chạy đi mua hộ. Còn mình thì đi khám trước. Có nhiều khi, việc di chuyển, đi lại của chị gặp nhiều khó khăn do đường xá khó đi, phương tiện cọc cạch, chưa kể có những khi chưa kịp đổ xăng đủ để di chuyển quãng đường xa…

Vất vả là thế, nhưng nhiều năm gắn bó với nghề, chị vẫn không được nhận phụ cấp nào. Khi đi đỡ đẻ, gia đình nào có điều kiện thì biếu ít đồ, ít tiền còn không thì chỉ là làm giúp. Thế nhưng khi được hỏi: Có khi nào muốn từ bỏ công việc không? Chị cười và khẳng định: Cho đến bây giờ thì mình không còn ý định từ bỏ công việc này. Tuy nhiên, chị cũng không khỏi có chút chạnh lòng và mong muốn có chút tiền phụ cấp; được hỗ trợ phương tiện đi lại để phục vụ công việc. Được hỗ trợ xe cộ đi lại để công việc được đơn giản hơn. Người dân có gọi đỡ đẻ đêm hôm, mưa gió, mình dễ dàng đi lại và đến nhanh hơn. Lời tâm sự này khiến chúng tôi rất khâm phục, vì không phải ai cũng biết để có thể làm nghề, bản thân chị phải vượt qua biết bao rào cản, khó khăn, thậm chí cả những hủ tục, định kiến.

Theo quy định hiện hành, kinh phí để duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trong khi đó, hầu hết các địa phương có cô đỡ thôn, bản hoạt động đều là những tỉnh miền núi, còn nghèo, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách. Vì vậy, nhiều tỉnh chưa thực hiện được chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản, dẫn đến tình trạng các cô đỡ thôn bản nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng. Thế nhưng đối với chị Teh, vẫn luôn lạc quan, yêu nghề, có ý thức trong việc nâng cao kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Niềm vui khi được ghi nhận

Đến nay, sau hơn 8 năm gắn bó với nghề, cô đỡ Y Teh đã đỡ cho hơn 200 ca. Năm ít nhất, chị cũng đỡ đẻ cho 20 ca, năm nhiều nhất là năm 2017, chị đỡ đẻ cho 45 ca mẹ tròn con vuông. Chia sẻ về nghề, chị cho biết, trước kia, số ca chị đỡ ít hơn vì nhiều người tự giác đến bệnh viện để sinh. Chị chỉ đóng vai trò làm người khám sức khỏe, tư vấn ban đầu. Nhưng từ năm 2017 đến nay, khi bà con không được hỗ trợ Bảo hiểm Y tế miễn phí nữa, thì số ca đỡ của chị tăng lên do nhiều người có điều kiện kinh tế khó khăn, không đến bệnh viện để đẻ nữa. Do đó, công việc của chị lại càng bận bịu hơn. Hiện nay, công việc chính của chị ngoài việc đỡ đẻ, khám thai, tư vấn sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh, lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt phụ nữ để tiếp tục tư vấn cho người dân hiểu và nhận ra các vấn đề liên quan đến sinh đẻ cho an toàn.

Đánh giá về cô đỡ thôn bản Y Teh, nhiều người dân trong thôn Kon Gung và Đăk Mút xã Đăk Mar không ngừng cảm phục và biết ơn với những cống hiến thầm lặng mà chị đã dành cho cộng đồng. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, rào cản của những hủ tục lạc hậu, thiếu thốn về kinh tế và đôi khi là sự ngăn cản của gia đình. Chị trở thành cánh tay nối dài của ngành Y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở trong thôn.

Dẫn chúng tôi về thăm căn nhà đơn sơ của gia đình tại thôn Kon Gung, chị phấn khởi khoe những tấm ảnh chị mới được tham gia đoàn đại biểu thăm quan Hà Nội và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đi nhận Bằng khen của Bộ Y tế với thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọ Thịnh tận tay trao tặng tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân buổi gặp mặt cô đở thôn bản tiêu biểu toàn quốc nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chị vui mừng khôn xiết. Tự hứa với lòng mình cần cố gắng hơn nữa để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Không phụ lòng sự ghi nhận và vinh danh của Đảng và Nhà nước.

Từng cống hiến và từng được ghi nhận. Dù chưa một lần sinh con, nhưng chị Y Teh đã làm “mẹ” hàng trăm đứa trẻ. Khi đôi bàn tay chị đã trực tiếp đón, chăm sóc cho hàng trăm mầm sống. Thế nhưng, khi được hỏi về việc học tập và làm theo lời Bác, chị Y Teh tâm sự rất hồn nhiên “Mình thì nghĩ đơn giản là thấy việc gì tốt cho mọi người thì mình cố gắng làm. Nhất là khi bà con mình còn khó khăn. Mình không làm được nhiều thì mình làm trong khả năng của mình thôi. Thế nên dù có vất vả, thiệt thòi cho mình mà thấy người khác vui, mạnh khỏe là mình cũng hạnh phúc rồi”.

Chia tay chị Y Teh ra về, tôi không khỏi xúc động và thầm thán phục những suy nghĩ, sự cống hiến thầm lặng của chị với cộng đồng. Chính những cống hiến âm thầm nhưng lớn lao ấy, đang đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như một bông hoa đẹp, tỏa sáng giữa đời thường.

 

Trọng Nghĩa (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  

Tác giả: Trọng Nghĩa (Đài TT-TH huyện Đăk Hà)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan