A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng trong mùa khô

Năm 2021, huyện Đăk Hà đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Bước vào mùa khô năm nay, các địa phương và ngành chuyên môn đang tập trung hướng dẫn các hộ dân tham gia Đề án chăm sóc gắn với đảm bảo phòng cháy chữa cháy cho diện tích rừng trồng mới.
Tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng trong mùa khô Lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà kiểm tra diện tích rừng trồng tại xã Đăk Ui

Hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích rừng trồng mùa khô

Xã Ngọk Réo kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ rừng trồng năm 2021

Sau khi kết thúc niên vụ thu hái Cà phê năm 2021, bà con thôn Kon Tu (xã Đăk Ui) dành nhiều thời gian để chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồn, thay vì có thời gian nhàn rỗi như những năm trước đây. Năm 2021, thôn Kon Tu có 30 hộ DTTS tham gia Đề án trồng rừng của UBND tỉnh với trên 30 hecta bạch đàn Cự vĩ.

Anh A Thuần – Trưởng thôn, kiêm Tổ trưởng Tổ cộng đồng QLBV rừng thôn Kon Tu thông tin: Do là năm đầu tiên triển khai, thời điểm xuống giống, một số diện tích cây trồng bị mối ăn. Nhờ sự hỗ trợ hướng dẫn kịp thời của ngành chuyên môn, tình trạng mối hại cây nhanh chóng được khắc phục. Xã cũng cấp thêm cây để trồng dặm vào số lượng cây chết. Đến nay, diện tích rừng trồng của các hộ dân trong thôn có tỷ lệ sống đạt trên 90%.

Theo ông Trần Đình Trình – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, triển khai Đề án trồng rừng tập trung năm 2021, xã Đăk Ui đã cấp 226.500 cây bạch đàn Cự vĩ cho 104 hộ tại 08 thôn tham gia với tổng diện tích 112,61 hecta, vượt trên 12% chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Nhờ chủ động chăm sóc, hầu hết diện tích cây rừng có chiều cao trung bình đạt khoảng từ 0,7m đến 1m, cá biệt có diện tích cây cao trên 1,5m và có đường kính gốc cây đạt 5cm. Bên cạnh việc hướng dẫn người dân chăm sóc cây rừng, chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp và lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ chủ động phòng chống cháy rừng để đảm bảo chất lượng diện tích rừng trồng.

“Đối với diện tích rừng trồng trong mùa khô, các biện pháp chăm sóc tập trung vào việc phát dọn thực bì xung quanh gốc cây và xử lý thực bì. Tháo gỡ các loại cây thân dây leo bám trên cây trồng. Riêng công tác phòng chống cháy rừng thì  lực lượng Kiểm lâm thường xuyên cập nhật cấp độ dự báo cháy rừng, tránh tình trạng người dân sử dụng lửa không đúng nơi quy định, đặc biệt là vào thời gian cao điểm của mùa khô. Đối với diện tích rừng trồng sát với rừng trồng tự nhiên hoặc sát với khu vực làm nương rẫy, phải tiến hành làm đường băng cản lửa xung quanh để tránh tình trạng cháy rừng xảy ra” - Anh Đỗ Xuân Thanh – Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Ui cho biết.

Trong năm 2021, huyện Đăk Hà đã hoàn thành trồng 242,46 hecta (vượt chỉ tiêu Kế hoạch tỉnh giao 2,46 hecta) và gần 9.000 cây xanh phân tán với tỷ lệ cây sống sau xuống giống đạt trên 90%. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, huyện Đăk Hà chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, các cộng đồng dân cư. Đặc biệt là sự chủ động của các hộ dân dân tham gia Đề án trồng rừng trong công tác chăm sóc cây trồng và chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2022 với chỉ tiêu 450 hecta.

Ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đăk Hà thông tin: Để hoàn thành Đề án trồng rừng đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng, HĐND huyện Đăk Hà đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, trong đó, giao chỉ tiêu cho các xã kế hoạch trồng rừng năm 2022 với tổng diện tích 450 hecta. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân, rà soát diện tích đất nằm trong quy hoạch Nông nghiệp được phép tham gia đề án và đối tượng thuộc diện được hỗ trợ để đăng kí và tiến hành đo dạc. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ khẩn trương triển khai Kế hoạch trồng rừng và cấp hỗ trợ cây giống, hướng dẫn nhân dân xuống giống đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng rừng trồng.

Đề án trồng rừng tập trung và cây xanh phân tán của tỉnh có ý nghĩa chiến lược quan trọng hướng đến mục tiêu Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Bên cạnh, Đề án còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế từ rừng… Kết quả công tác chăm sóc, QL và BV rừng trong mùa khô năm nay – năm đầu tiên thực hiện Đề án sẽ đánh giá được năng lực của lực lượng chuyên trách QLBV rừng và chính quyền địa phương các cấp trong việc đảm bảo tính bền vững, lâu dài của Đề án./.

 

Trọng Nghĩa  

Tác giả: Trọng Nghĩa  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan