A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà vững bước đi lên

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân huyện Đăk Hà (Kon Tum) tự hào với những thành quả đạt được. Đó là cơ sở để địa phương tiếp tục tự tin, vững bước đi lên, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Đăk Hà vững bước đi lên Toàn cảnh huyện Đắk Hà

Vào năm 1994, để đến được xã Đăk Pxi là chuyện không dễ, bởi lẽ đoạn đường đất 14 km từ ngã ba Đăk Hring vào trung tâm xã phải vượt qua nhiều ngầm nước, lầy lội trong mùa mưa và nhiều ổ voi, ổ gà vào mùa nắng. Lúc bấy giờ, đời sống người dân trong xã hết sức khó khăn khi sản xuất chỉ gắn liền với cây lúa rẫy và cây mì. Đến nay, Đăk Pxi đã có hệ thống giao thông được cứng hóa liên hoàn từ xã đến từng thôn và kết nối với huyện bằng tuyến Tỉnh lộ 677 và đường tránh lũ được xây dựng theo chuẩn cấp 5 miền núi. Trên dòng Đăk Pxi hôm nay, đã có đến 3 cầu nối đôi bờ phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội. Không chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, con em Đăk PXi được học hành trong những ngôi trường khang trang, bà con hôm nay đã thành thục sản xuất lúa nước áp dụng chế phẩm sinh học và trồng cây công nghiệp cà phê, cao su và chăn nuôi gia súc. Anh A Đliêu (thôn Ling La, xã Đăk Pxi) nói: “Xã Đăk Pxi thay đổi nhiều lắm, đường, trường, trạm, điện thấy thay đổi nhiều. Hôm nay dân không trông chờ này kia nữa, cố gắng làm cà phê, bời lời. Nhà mình là trồng bời lời, trồng cao su, chăn nuôi bò trâu 1 năm thu nhập hơn 100 triệu”.

 

Chưa hết khó khăn, song kết quả đạt được là động lực để xã Đăk Pxi vững bước đi lên trong thời gian đến. Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: “Với kết quả 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với huyện Đăk Hà, bộ mặt của xã Đăk Pxi đã có nhiều thay đổi đáng kể, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, đây là kết quả rất đáng tự hào là sự tự tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Đăk Pxi có động lực tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nhà thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn trong thời gian tới”.

Sự khởi sắc của xã Đăk Pxi cùng nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà sau 25 năm thành lập huyện cho thấy chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại của huyện đã phát huy hiệu quả.  Từ vùng thuận lợi, đến nơi khó khăn, ở khu dân cư nào, cũng gặp những mô hình lao động, sản xuất giỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là cơ sở để Đăk Hà xây dựng sản phẩm chủ lực của huyện gắn với xây dựng vùng chuyên canh và sản phẩm đặc trưng địa phương. Nổi bật có vùng chuyên canh cây cà phê ở các xã Hà Mòn, Đăk Mar, thị trấn Đăk Hà; mô hình cây cao su ở Đăk Hring, Ngọc Wang, Ngọk Réo; vùng  hình chuyên canh rau hoa, cây vụ Đông ở các xã Hà Mòn, Đăk La và thị trấn Đăk Hà; vùng chuyên canh lúa nước chất lượng cao ở xã Đăk La. Bà con nông dân  đạt thu nhập cao trên chính đồng đất quê hương của mình. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa HT9 và RVT ở xã Đăk La. Với năng xuất 8- 9 tấn mỗi vụ và giá bán cao hơn các loại lúa khác từ 2.000đ đến 2.500đ mỗi kg, cây lúa thơm đã giúp bà con tăng thu nhập và khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông Trần Văn Minh (thôn 2, xã Đăk La) nói: “Hai giống này kháng bệnh tốt, cho năng suất cao không thua các giống lúa khác. Nhất là bán được giá. Giá cao không đủ lúa tiêu thụ cho người dân”.

Hạ tầng nông thôn phát triển là nền tảng để huyện Đăk Hà thuận lợi hơn trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 3 xã Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk La được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Đăk Ngọc đạt 19/19 tiêu chí. Đạt kết quả đáng kể trong xây dựng nông thôn mới  là nhờ huyện tranh thủ nguồn đầu tư của cấp trên, phát huy nội lực của địa phương và đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, huyện đã xây dựng, phát triển  phong trào thi đua có sức lan tỏa đến từng khu dân cư, từng người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như phong trào đoàn kết xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Bình Minh, xã Hà Mòn. Ông Võ Xuân Hường (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn) cho biết: “Sau 25 năm phát triển của huyện Đắk Hà, tôi là người dân xã Hà Mòn rất tự hào vì xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Người dân chúng tôi bây giờ nên đoàn kết lại, cố gắng cùng nhau chung sức để xây dựng nông thôn kiểu mẫu”.

Không chỉ triển khai có hiệu quả thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn, huyện Đăk Hà còn là địa phương tiên phong hỗ trợ, tiếp sức cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm; đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, những sản phẩm đặc trưng của địa phương như lúa Đăk La, nấm Đăk Hring, măng le Đăk Pxi, rau an toàn của thị trấn và nhiều sản phẩm khác đã từng bước khẳng định thương hiệu. Bên cạnh đó, những sản phẩm từ chuỗi liên kết giá trị như Cà phê sạch Nguyên Huy Hùng, Cà phê Đăk Hà, Cà phê sạch Sáu Nhung bước đầu  đạt kết quả tích cực. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thương Mại Sáu Nhung nói: “Các cấp lãnh đạo cũng đã tạo điều kiện đi tập huấn, đi tham gia các chuỗi liên kết rồi xúc tiến thương mại đầu tư, rồi nhiều chương trình khác để thương hiệu cà phê của hợp tác xã nhanh được vươn xa. Đó là bệ phóng để cho hợp tác xã ngày càng phát triển, hàng hóa của hợp tác xã ngày càng vươn xa”.

Kết quả dễ nhận thấy nhất sau 25 năm thành lập huyện Đăk Hà đó là sự phát triển mạnh mẽ đô thị trung tâm. Từ chỗ chỉ vài ngôi nhà lưa thưa dọc Quốc lộ 14, đến nay, đô thị Đăk Hà đã vươn mình, mở rộng theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Thị trấn Đăk Hà hôm nay đã là đô thị loại V với những tuyến phố khang trang, xanh mát, những khu dân cư đông vui với nhịp độ phát triển mạnh thương mại, dịch vụ. Năm 2018, thị trấn Đăk Hà đạt mức tăng trưởng 7,6% và thu nhập bình quân đầu người 49 triệu đồng; xứng đáng là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện. Ông Nguyễn Chí Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết: “Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2018 cũng như các năm trước, năm 2019 và giai đoạn tiếp theo thị trấn Đăk Hà chúng tôi tiếp tục quan tâm vấn đề về đô thị hóa, phấn đấu năm 2021 thị trấn Đăk Hà đạt đô thị loại 4 và tiếp tục đô thị hóa trong những năm tiếp theo để trở thành đô thị văn minh hiện đại”.

Sau 25 năm thành lập, từ 6 xã ban đầu, đến nay, huyện Đăk Hà có 10 xã và 1 thị trấn với  hơn 73.000 dân, trong đó, khoảng 49% là  đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, thu ngân sách huyện đạt trên 66,6 tỉ đồng, vượt 66 tỉ so với năm 1995; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, tăng 7,6 triệu đồng so với năm 1994. Bên cạnh đó, an sinh xã hội không ngừng được củng cố và phát triển. Đây là cơ sở để tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn trên 17%, thấp hơn tỉ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh. Kết quả của tinh thần đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị đã được khẳng định; là sự kế thừa và phát huy tốt truyền thống của Đảng bộ và nhân dân  địa phương. Ông Đoàn Ngọc Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Để có được những thành công sau 25 năm hình thành và phát triển huyện Đăk Hà, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tự hào trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, góp phần xây dựng huyện Đăk Hà phát triển toàn diện, bền vững”.

Với kết quả đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà có quyền tự hào vì đã kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, kiên trung của vùng đất này trong hai cuộc kháng chống ngoại xâm và thống nhất đất nước; có quyền tự hào vì đã giữ vững và phát huy thành quả của địa phương được công nhận đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đây là nền tảng, là hành trang quý giá để huyện Đăk Hà vững bước đi lên trong lộ trình phát triển.

Văn Hiển – Đức Thắng

 

Nguồn tin: kontumtv.vn  

Tác giả: Nguồn tin: kontumtv.vn  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan