A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân tạc tượng A Gyor tấm gương sáng về lưu giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Tây Nguyên

Tây Nguyên đại ngàn không chỉ nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng, những pho sử thi truyền miệng bên bếp lửa, mà còn được biết đến với những pho tượng gỗ thô mộc và hồn nhiên như chính con người và núi rừng nơi đây. Để góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc dân văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Huyện Đăk Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ về sự đa dạng, phong phú của văn hoá và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Nghệ nhân tạc tượng A Gyor tấm gương sáng về lưu giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Tây Nguyên

Huyện Đăk Hà có 16 dân tộc cùng sinh sống, không gian văn hóa dân tộc mang đậm sắc màu truyền thống, đa bản sắc, hội tụ đầy đủ những nét độc đáo, riêng biệt của các dân tộc trên địa bàn. Trong kho tàng văn hóa của người dân nơi đây, ngoài cồng chiêng, không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian. Tạc tượng gỗ dân gian là loại hình nghệ thuật lâu đời, tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, nhưng cũng rất dung dị của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 

Hơn 30 năm miệt mài làm nghề tạc tượng, nghệ nhân A Gyor sinh năm 1970, dân tộc Xơ Đăng – Tơ dra, sinh sống ở thôn Kon HơDrế – Xã Ngọc Réo – Huyện Đăk Hà – Tỉnh Kon Tum, vẫn đang từng ngày làm nghề của mình để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Với ông, đó là tâm huyết cả đời mình, làm sao để bà con dân làng, nhất là thế hệ trẻ, ai cũng biết tạc tượng, giữ được nghề truyền thống của dân tộc. Nghệ nhân A Gyor học nghề từ bố A Hreng từ năm 15 tuổi, ông đã cùng cha mình tạc những bức tượng phục vụ đời sống tâm linh của người dân trong thôn, đó là những bức tượng nhà mồ, đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc của người dân nơi đây. Dù còn nhỏ tuổi nhưng ông luôn ý thức được việc học nghề tạc tượng từ cha mình, ông luôn cố gắng học và tập tạc những bức tượng từ đơn giản nhất đến chi tiết, dần dần tay nghề nhuần nhuyễn và thành thục hơn. Hầu hết các bức tượng nghệ nhân tạc ra gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: Phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần… Nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc. Bằng đôi tay khéo léo và tư duy sáng tạo, những thân gỗ đã được nghệ nhân "thổi hồn" thành tác phẩm nghệ thuật mang trong mình dấu ấn văn hóa và tâm linh đậm màu sắc thi ca của mảnh đất thiêng này.

Những bức tượng của nghệ nhân mang sắc thái đặc trưng của người Tơ Đrá nhánh Xơ Đăng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất đều gắn với núi rừng, nương rẫy của mình. Từ bao đời nay, những pho tượng gỗ dân gian được tạc đẽo thô mộc, dãi dầu mưa nắng nhưng luôn mang đến cho người xem cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng sông núi vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên…

Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng  nghệ nhân tạc tượng được sinh ra và lớn lên đã thấm đậm trong mình nền văn hóa truyền thống đặc thù của Tây Nguyên, đã tạo ra những đứa con tinh thần, tô đẹp thêm cho đời và cho con người. Khi đã định hình trong đầu, nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, thả hồn vào những tác phẩm của mình. Các bức tượng chỉ được chế tác bằng công cụ thô sơ, thoạt nhìn có vẻ thô mộc, nhưng càng ngắm, càng thưởng ngoạn người xem mới cảm thấy mình như hòa vào chính đời sống của người nghệ nhân hay cảm nhận về nét bản sắc văn hóa đời sống đậm chất truyền thống, cảm nhận nắng gió vời vợi của đại ngàn. Những thân gỗ thô mộc qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã tạo ra những khối hình với những đường nét, góc cạnh đơn giản, mộc mạc mà chứa đựng hết tình yêu thương con người, đời sống tâm linh... Theo đời sống tập quán dân tộc khi tạo ra các tác phẩm thường thiên về các chủ đề khác nhau, có vô vàn những cảnh sống, cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân, muôn thú và cỏ cây đã được sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật qua bức tượng gỗ. Xưa kia, loại gỗ để đẽo các bức tượng nhà mồ thường là các loại cây gỗ quý tuổi thọ trên chục năm như: Gỗ hương, cà chít,... nhưng theo thời gian diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp lại, cây gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm, cũng bởi lẽ đó mà nhiều gia đình chọn cây gạo để thay thế. Sau khi kiếm được gỗ, chủ hộ và những nghệ nhân tạc tượng sẽ di chuyển chúng lên nghĩa địa bên cạnh nhà mồ cũ thổi hồn lên những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri vô giác thành những tượng gỗ sống động đầy cảm xúc. Người đẽo tượng để làm ra một bức tượng là cả một quá trình làm việc miệt mài và tự do sáng tác thực hiện tác phẩm của mình. 

Hình ảnh: Những bức tượng: phụ nữ giã gạo, mẹ địu con,

người đàn ông lên rẫy do nghệ nhân A Gyor tạc.

 

Nghệ nhân A Gyor tâm huyết với nghề mộc truyền thống này, hàng ngày ông vẫn đang truyền dạy lại cho mọi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, ông luôn hy vọng thế hệ trẻ ngày nay sẽ ý thực được việc bảo vệ những giá trị truyên thống quý báu của cha ông để lại. Để rồi giữa nhịp sống xô bồ, hối hả của cuộc sống hiện tại, những bức tượng gỗ dân gian vẫn đứng đó cho người qua, người lại chiêm ngưỡng, hình thành nên một không gian văn hóa có sự đan xen giữa những nét truyền thống với những nét hiện đại, tạo cho mọi người có một phút thời gian hồi tưởng lại quá khứ hoang sơ, nguyên thủy ngày xưa, từ đó khơi dậy nên một ý thức bảo vệ, duy trì những nét văn hóa truyền thống như một sắc thái tâm linh của núi rừng. Đó là sự giao thoa có quy luật, có sự sắp xếp của con người với việc bảo tồn quá khứ, bảo vệ những giá trị của lịch sử khỏi sự đan xen, xâm lấn của văn hóa hiện đại ngày nay.

Nghệ nhân đã tham gia nhiều cuộc thi tạc tượng do tỉnh, huyện tổ chức và đã đạt được những thành tích cao. Nghệ nhân được nhận giấy khen giải nhất khắc tượng gỗ năm 2014, do Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh khen tặng.

Để ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đang hoàn thành hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di dản văn hóa cho nghệ nhân./.

Ban biên tập  

Tác giả: Ban biên tập  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan