Tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai)
Ngày 07/7, đoàn công tác của huyện Đăk Hà do đồng chí Hà Tiến – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã đi tham quan thực tế các mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Tham gia đoàn có các Phó Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn.
Huyện Chư Sê nằm cách Thành phố Pleiku 36 km về phía bắc với tổng diện tích tự nhiên trên 643 km². Huyện có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc trồng dâu nuôi tằm, chất lượng kén tốt. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, Hợp tác xã (HTX) Dâu tằm Chư Sê được thành lập năm 2019 nhằm tập hợp các hộ dân trồng dâu nuôi tằm huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung cùng liên kết sản xuất, cùng hưởng lợi từ ngành nghề có nhiều tiềm năng này.
Năm 2023, HTX Dâu tằm Chư Sê thành lập Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa và liên kết xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng để sản xuất giống tằm với quy mô khoảng 2.000 m2, xưởng được xây dựng theo quy trình khép kín với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sản xuất, cung cấp cho người dân giống tằm chất lượng cao.
Với việc sản xuất thành công giống tằm chất lượng cao tại chỗ đã mở ra cơ hội phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cho người dân Chư Sê. Theo người dân tại huyện Chư sê, nghề trồng dâu nuôi tằm không yêu cầu cao về kỹ thuật cũng như vốn đầu tư ban đầu. Trung bình, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm mỗi tháng. Hiện nay, bình quân 1 ha trồng dâu có thể đáp ứng nguồn thức ăn nuôi 4-5 hộp tằm giống/đợt. Với mức giá kén luôn giữ ổn định trên 170 ngàn đồng/kg trong khoảng 3 năm trở lại đây, người dân có thể thu 400-500 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Hiện nay, trên địa bàn có trên 700 hộ liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mỗi tháng, Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa cung cấp cho người dân hơn 1.000 hộp giống tằm. Tất cả sản phẩm kén của người dân được HTX thu mua với sản lượng khoảng 40 tấn kén. Hiện nay, Doanh nghiệp đã mở rộng quy mô trại sản xuất giống, đủ năng lực cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng như thu hút nhiều hộ dân tham gia chuỗi liên kết, không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn liên kết với các địa phương ngoài tỉnh.
Xác định nghề trồng dâu nuôi tằm là hướng đi mới, là bước khởi đầu cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, ngày 02/7, UBND huyện Đăk Hà làm việc với Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa để ký kết chương trình hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Theo đó, Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa sẽ phối hợp với UBND huyện Đăk Hà khảo sát, đánh giá hiện trạng, quy hoạch vùng đủ điều kiện trồng dâu, nuôi tằm để liên kết sản xuất; Liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm giữa công ty với Hộ gia đình, THT, HTX… thông qua hợp đồng liên kết, có xác nhận của chính quyền địa phương; Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho tổ chức, hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng kén tằm theo hợp đồng liên kết theo giá thị trường.
Trên cơ sở kết quả chuyến tham quan thực tế, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã thị trấn phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho lao động nông thôn; Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu, cung ứng giống cây trồng vật nuôi đảm bảo theo quy định; Xây dựng mô hình thử nghiệm, nghiên cứu, chọn tạo giống dâu phù hợp để giảm chi phí công lao động và nâng cao năng suất, sản lượng kén tằm. Tăng cường vai trò và các biện pháp cụ thể hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm… Qua đó, hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế vườn hộ đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.