A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ Đăk Hà với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

Thời gian qua, cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình” nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho phụ nữ là một trong những nội dung thiết thực, trọng tâm, thường xuyên của hội phụ nữ huyện Đăk Hà. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình hay được các cấp hội ghi nhận và vinh danh.
Phụ nữ Đăk Hà với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế Mô hình nuôi cá lóc của gia đình chị Dương Thị Liên - TDP 10, TT Đăk Hà

 Khi mới bước chân vào vùng đất Đăk Hà lập nghiệp năm 1982 theo diện Công nhân Quốc phòng đi xây dựng vùng kinh tế mới, gia đình bà Trương Thị Năm – Thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà đã gặp không ít khó khăn. Theo bà “với nhiều người cùng thời bà lúc đó, điều quan trọng nhất là vừa dần ổn định cuộc sống gia đình, vừa hoàn thành nhiệm vụ giao khoán của Nông trường Cà phê 734 lúc bấy giờ, miễn là kiếm đủ cái ăn cái mặc cho các con chứ chưa nói gì tới chuyện làm giàu”. Thế nhưng, với bản tính chịu thương chịu khó, không cam chịu đói nghèo, không lâu sau đó, gia đình bà đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm qua sách báo, qua cán bộ khuyến nông của xã… để bỏ dần tập quán canh tác cũ, tìm cách thay đổi hướng sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh sự chủ động trong định hướng sản xuất, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp Hội phụ nữ, bà đã mạnh dạn đứng ra vay vốn ủy thác của Hội Phụ nữ tại Ngân hàng CSXH huyện số vốn 30 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp huyện 50 triệu đồng để mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, qua đó, vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, vừa giúp đỡ các hộ trong thôn cải tạo đất hoang hóa, phát triển vườn cây, ao cá… Đất không phụ lòng người, sau nhiều năm chăm chỉ, chịu thương chịu khó, đến nay, gia đình bà đang sở hữu cơ ngơi trên 8ha Cà phê kinh doanh, trên 400 cây sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập khoảng một tỷ đồng. Ngoài ra,  nhờ chủ động đầu tư máy múc, cải tại đất hoang, gia đình bà còn phát triển được 4 ao nuôi cá với diện tích 1.650 m2 nuôi các loại cá trắm, chép, trôi… Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình bà cũng thu nhập thêm trên 150 triệu đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong thôn đảm bảo có thu nhập ổn định và giúp Hội viên Phụ nữ thôn về nguồn vốn và kinh nghiệm để cùng họ vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, khi nói về việc tạo điều kiện, giúp đỡ Hội viên Phụ nữ trong thôn vượt khó khăn, vươn lên làm giàu, bà chỉ cười khiêm tốn: “Thực ra thì tôi không giúp được gì nhiều đâu. Chỉ thấy chị em ai khó khăn mà muốn có vốn thì tôi giúp đỡ về vốn, rồi dùng máy móc của nhà đào cho họ cái ao, chỉ cho họ cách nuôi cá, nuôi gà vịt… để từ đó, họ vươn lên làm giàu thôi”.
 
Được biết, sau nhiều lần được chọn là điển hình tiên tiến của phụ nữ huyện Đăk Hà đi báo cáo thành tích tại tỉnh, bà Trương Thị Năm đã vinh dự được bầu vào Ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Đây cũng là điều kiện để bà tiếp tục phát huy được vai trò của mình trong vận động, giúp đỡ các Hội viên phụ nữ thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở địa phương. Bà Mai Thị Lý – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Mar cho biết: “Phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng luôn được các cấp Hội phụ nữ xã chú trọng. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho chị em vay vốn từ Hội cấp trên thì cũng khuyến khích chị em tự xây dựng quỹ tiết kiệm ở tất cả các Chi hội để chị em có thể chủ động về nguồn vốn. Đồng thời, Hội LHPN xã cũng thường xuyên tổ chức cho các chị em giao lưu, thông qua đó, chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Chia tay gia đình bà Năm, theo chỉ dẫn của Hội phụ nữ TT Đăk Hà, chúng tôi đến trang trại nuôi cá của gia đình chị Dương Thị Liên – TDP 10, TT Đăk Hà. Là Hội viên trẻ, song với sự giúp đỡ của Chi hội phụ nữ TDP đã tạo điều kiện tín chấp vay vốn sản xuất kinh doanh, chị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tạo đất ruộng lúa thành ao nuôi cá thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Nhờ vậy, hiện nay, gia đình chị đang sở hữu mô hình 5 ao nuôi cá lóc, cá trê, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả, chị Liên chia sẻ: “Khi được các cấp tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế thì chị em cảm thấy đó cũng là sự may mắn. Từ đó, chị em bảo ban nhau, học hỏi nhau để cùng làm thôi. Rồi từ chỗ ổn định thu nhập, chị em cũng thường xuyên bảo ban nhau tham gia đóng góp vào các phong trào của TDP, mong sao xây dựng TDP ngày càng khang trang hơn”. 
 
Chi hội phụ nữ TDP 10, TT Đăk Hà hiện nay có 144 Hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó nghề nghiệp chủ yếu của chị em là làm nông nghiệp. Với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của Hội viên và gia đình, đến nay, Chi hội đã xây dựng được 7 tổ tiết kiệm bằng tiền mặt. Với hình thức mỗi Hội viên đóng góp 1 triệu đồng/năm, qua đó đã tạo điều kiện giúp cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhờ nguồn vốn trên, chỉ riêng trong năm 2014, đã có 4 Hội viên của Chi hội thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, Chi hội đã sáng tạo hình thức tạo quỹ khác là đóng góp mỗi Hội viên 2 tạ lúa/vụ để cho chị em vay trang trải những công việc đột xuất của gia đình và tổ chức nuôi heo đất tiết kiệm, 6 tháng một lần mở quỹ để khen thưởng, động viên kịp thời những chị em có thành tích trong hoạt động công tác Hội và đóng góp cho các hoạt động, phong trào của TDP… Với những cách làm chủ động, sáng tạo trên, Chi hội phụ nữ TDP 10, TT Đăk Hà luôn phát huy tốt vai trò của tổ chức cơ sở hội, thu hút được sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của chị em. Nhận xét về cách huy động thành lập quỹ sáng tạo và hiệu quả của Chi hội phụ nữ TDP 10, bà Trần Thị Mai – Phó Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Đăk Hà cho biết: “Mục đích đầu tiên của quỹ tiết kiệm là hướng đến các chị em có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống để tạo điều kiện cho chị em có đồng tiền lo toan những việc trước mắt. Thứ hai là tạo điều kiện cho các chị em khác có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời phát huy năng lực của các chị em có điều kiện trong việc chia sẻ, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn vươn lên làm giàu. Nhờ những hiệu quả thấy rõ của các kênh vay vốn, các tổ tiết kiệm mà ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của chị em hơn, đời sống vật chất, tinh thần của chị em cũng được nâng cao hơn”. 

Hiện nay, Hội LHPN huyện Đăk Hà có 103 Chi hội với trên 14.245 Hội viên tham gia sinh hoạt. Trong đó, tổng số Hội viên nghèo được vay vốn 4.669 chị; 95/103 Chi hội đã xây dựng quỹ tiết kiệm số tiền trên 551 triệu đồng với 2.100 chị tham gia và xét cho 305 chị vay; duy trì hoạt động hiệu quả mô hình xây dựng quỹ tiết kiệm ở 129/461 tổ phụ nữ với số tiền trên 909 triệu đồng với 591chị tham gia cho 149 chị vay. Riêng trong năm 2014, các cấp Hội tín chấp mới các nguồn vốn cho 356 chị vay với tổng số tiền là trên 7 tỷ 061 triệu đồng, nâng tổng dư nợ các nguồn vốn đạt 100 tỷ 389 triệu đồng. Đến nay 100% phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ hộ trong diện hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh việc duy trì và phát huy hiệu quả của các hình thức tiết kiệm, vay vốn, các cơ sở Hội đã tổ chức và duy trì hoạt động của tổ vần công, đổi công lao động sản xuất để làm đa dạng thêm nhiều hình thức, cụ thể hóa trong thực hiện phong trào “Phụ nữ Đăk Hà giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu chính đáng”. Góp phần khẳng định vai trò, vị trí của người Phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
 
Trọng Nghĩa  

Tác giả: Trọng Nghĩa  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan