A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2013: Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những nhân tố góp phần hình thành các nhiệm vụ cách mạng, tạo nên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị khẳng định: "Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang".
Hướng tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2013: Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân - Ảnh tư liệu

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận, Người chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to.Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Theo Người, tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận, với nhiệm vụ vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.

Trong hoạt động cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thường, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh và sự sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân, Người từng nói:"Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra", do đó, để quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, công tác dân vận “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”,mà muốn làm tốt công tác dân vận, muốn phản ánh được  ý chí nguyện vọng của nhân dân thì người cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, lăn mình vào cuộc sống, “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, gần gũi, động viên nhân dân, chứkhông phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, phải thật thà nhúng tay vào việc, muốn vậy  " phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết được sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào"; qua đó nắm được ý nguyện chính đáng của nhân dân để phản ánh với cơ quan, đoàn thể, tổ chức đảng, từ đó xây dựng thành chủ trương, đường lối để lãnh đạo quần chúng, lãnh đạo nhân dân.

Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”, trước khi triển khai thực hiện thì “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”, từ đó tạo nên sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận xã hội trong nhân dân. Mặt khác, phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của họ khi triển khai chủ trương, chính sách đó "Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này, dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết phải chịu khó tìm đủ mọi cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà họ phải làm" , hoặc “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng : Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.  

Người thường nói: "Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng thành công".  Muốn để dân tin, yêu cán bộ, đảng viên; muốn dân tin vào Đảng, Nhà nước; để nhân dân đồng thuận, đoàn kết, nhất trí thì khi xây dựng chủ trương, chính sách trước hết phải quan tâm đến lợi ích thiết thân của nhân dân, người lao động làm cơ sở, bởi vì lợi ích là động lực thúc đẩy mọi hành động, tạo được sự tự giác trong thực hiện của nhân dân, người lao động; phải có cơ chế cụ thể để nhân dân phát huy và thực hiện quyền làm chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội,  gắn với đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; thẳng thắn phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thực hiện đường lối quần chúng "gần dân, học dân, gắn bó với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực hiện được nhiệm vụ của người cán bộ "nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí". Xác định rõ công tác dân vận là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có liên quan đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng thực tế công tác vận động nhân dân của một số cơ quan, đơn vị, địa phương đôi lúc còn hạn chế: việc tổ chức nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích của mình khi triển khai thực hiện chủ trương, chính sách chưa thực sự được quan tâm; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số nơi còn mang tính hình thức.

Để thực hiện hóa và quyết tâm tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, học tập phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương trong tư tưỏng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với chủ đề trọng tâm của Tỉnh trong năm 2013:“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức  tỉnh Kon Tum nguyện làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân“, thiết nghĩ mỗi cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác dân vận; chủ động nắm tình hình, nắm bắt tư tưởng của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là việc đổi mới, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan chính quyền trong việc thực thi chính sách, nhất là về công tác dân tộc, tôn giáo, về giải phóng mặt bằng, quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường, về việc làm… tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một trong những bài học kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đó là đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, lấy sức dân mà chăm lo lợi ích cho nhân dân. Khi công tác tuyên truyền, vận động được quan tâm đúng mức sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, lôi kéo sự tham gia tích cực từ phía người dân. Và cũng thật lý thú ở một số cổng chào tại một số xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã ghi câu đối“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

"Dân chúng đồng lòng, việc gì làm cũng được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên", lời dạy của Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta phải luôn chú ý, thấy được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận.

 

theo tin: (kontum.gov.vn)  

Tác giả: theo tin: (kontum.gov.vn)  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan