A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện về một người lính Cụ Hồ

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, Đại úy Lương Văn Thin (sinh năm 1951, dân tộc Thái, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) khôn nguôi nhớ về một thời cầm súng xông pha trên chiến trường miền Trung-Tây Nguyên khói lửa.
Chuyện về một người lính Cụ Hồ

Trong căn nhà khá đầy đủ tiện nghi của mình, ông Lương Văn Thin kể, ông sinh ra và lớn lên ở xã Lũng Cao, huyện Ba Thước, tỉnh Thanh Hóa. Năm 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ, cứu nước.

“Ngày 24/7/1968, mặc dù mới 17 tuổi, nhưng tôi đã khai “gian” 1 tuổi để đủ tuổi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 1 năm huấn luyện tại Tiểu đoàn 531, Trung đoàn 3, Sư đoàn 338, Quân khu 3 (tỉnh Thanh Hóa), đến tháng 10/1969, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 503, Sư đoàn 3, Quân khu 5 hoạt động tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi… và đã trực tiếp chiến đấu với quân giặc tại chiến trường B1, B46 này cho đến năm 1973”-Đại úy Thin hồi tưởng.

Biết bao chiến trường đi qua, với bao trận đánh quyết liệt với Mỹ - Ngụy, tháng 6/1971, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, lúc đó vừa tròn 20 tuổi.

Đến tháng 8/1974, ông Thin được điều động về khu căn cứ hậu cần Quân khu 5 và hành quân lên tỉnh Kon Tum biên chế vào Tiểu đoàn 8, Đoàn 773 đóng quân tại xã Diên Bình (huyện Đăk Tô). Sau đó, đơn vị của ông bám trụ địa bàn xã Đăk Ui giáp ranh tại dốc Đầu Lâu và thị xã Kon Tum bấy giờ để ghìm chân quân địch tấn công vào vùng giải phóng.

Đến tháng 12/1974, ông Thin được cấp trên tin tưởng phân công giữ chức Trung đội trưởng chỉ huy 1 trung đội bộ đội Tỉnh đội Nghệ An tăng cường cho tỉnh Kon Tum bám chốt tại ấp Võ Định bấy giờ (nay là tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà). Trong thời gian này, địch tập trung hỏa lực đánh phá; trung đội của ông phải ém sâu dưới chiến hào. Riêng ông bị sức ép của bom đạn làm ngất nhiều lần và phải chuyển vào trạm xá dã chiến của Tiểu đoàn đóng ở xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) điều trị.

Sau một thời gian chữa bệnh tích cực, ông Thin dần bình phục và tiếp tục cầm súng chiến đấu. Tháng 3/1975, quân địch tháo chạy, đơn vị ông nhận lệnh tiến vào tiếp quản thị xã Kon Tum. Trong không khí của ngày giải phóng (16/3/1975), ông đã chứng kiến niềm vui hân hoan rạng ngời trên khuôn mặt của người dân thị xã Kon Tum bấy giờ cầm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), ông Thin được chuyển về Trung đoàn 734, Sư đoàn 331, Đoàn 773 có nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đóng quân tại khu Võ Định (bây giờ là thị trấn Đăk Hà). Ông công tác tại đây cho đến năm 1985 được thăng quân hàm Đại úy và giữ chức Tham mưu trưởng Trung đoàn 706, Binh đoàn 15 cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1988.

Sau khi nghỉ hưu, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Thin tham gia rất nhiều công việc của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở địa phương; trong đó, giai đoạn 1994-2006 ông tham gia Hội thẩm nhân dân huyện, giai đoạn 1999-2006 giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, giai đoạn 2008-2018 giữ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện. Trong bất cứ công việc gì, dù khó khăn đến mấy, ông Thin đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tiếp nối truyền thống gia đình, con trai trưởng của ông là Thiếu tá Lương Trí Thành, sinh năm 1982, hiện giữ chức Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân tại tỉnh Kon Tum. 3 người con khác của ông đều học hành đỗ đạt và có nghề nghiệp ổn định.

Năm nay, ông Lương Văn Thin đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng khi kể chuyện cho chúng tôi nghe về ký ức một thời tham gia đánh Mỹ cứu nước mà tinh thần ông hào sảng ngỡ như ngày nào còn cầm súng xốc tới diệt thù. Giờ đây, ông luôn mong thế hệ trẻ biết được những hy sinh mất mát của ông cha đã ngã xuống trong cuộc trường chinh chống Mỹ, để hôm nay đất nước trọn niềm vui, Tổ quốc có được ngày độc lập và người dân có được cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Trần Văn Phúc

 

Ban biên tập  

Tác giả: Ban biên tập  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan