A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đăk Hà đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều đề tài, mô hình khảo nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp.
Huyện Đăk Hà đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất Mô hình trồng nấm Linh chi của Hợp tác xã Cựu quân nhân ĐăkHring

Xác định vai trò then chốt của KHCN với phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian qua,  huyện đã chủ động liên kết với các nhà khoa học, cơ sở sản xuất giống để lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao sản xuất thử nghiệm trên địa bàn. Với nguồn kinh phí địa phương phân bổ hàng năm để thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ có hạn, do đó đơn vị cũng đã chọn lựa mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, kịp thời tranh thủ tối đa thu hút các nguồn lực từ cấp trên, đồng thời kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thử nghiệm trồng các giống rau, hoa xứ lạnh và cá nước ngọt có hiệu quả kinh tế đưa vào sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn. Đến nay, đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình hoa Lily tại địa bàn thị trấn Đăk Hà và xã Hà Mòn với quy mô 7.800 cây giống/500 m2, cho 02 hộ tham gia thực hiện, với 04 loại giống hoa; phối hợp với Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ tỉnh triển khai mô hình thử nghiệm trồng hoa Đồng tiền Hà Lan với số lượng 3.000 cây giống tại địa bàn Thị trấn ĐăkHà, xã Hà Mòn và xã  ĐăkNgọc với 05 hộ tham gia; triển khai trồng thử nghiệm cây hoa Cát tường, qua triển khai, cây hoa Cát tường thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn huyện Đăk Hà. Đồng thời, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình trồng rau an toàn như: Trồng cây Măng tây xanh; cây hành tây; cây cà chua ghép; cây Bí ngồi Hàn Quốc và Mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 10 cơ sở trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu quy mô hộ gia đình đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân khi nông nhàn. Trong đó, điển hình là Hợp tác xã Cựu quân nhân ĐăkHring, từ năm 2014 đến nay Hợp tác xã Cựu quân nhân ĐăkHring đã đầu tư nhà trại, lò sấy phôi bịch, sấy nấm dược liệu thực hiện sấy, ủ, cấy meo, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; tính riêng năm 2016 sản xuất 50.000 bịch phôi giống nấm các loại và đã chuyển giao kỹ thuật, cung ứng phôi giống cho 08 cơ sở trồng, chăm sóc trên địa bàn huyện và trong tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập hàng năm tăng đáng kể, tính trong năm 2016 sau khi trừ chi phí đầu tư được 130 triệu đồng (tăng 40% so với năm 2015).

Huyện đã đăng ký, xây dựng thực hiện Dự án cấp Bộ về “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết tổ chức ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tạo thâm canh để kéo dài chu kỳ kinh doanh cây cà phê tại 2 xã xây dựng nông thôn mới: Đăk Mar, Hà Mòn và Thị trấn Đăk Hà”; triển khai quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, ICM; sản xuất rau an toàn; vận động nông dân tham gia các Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch, tính đến đã thành lập được 5 tổ hợp tác với 649 hộ tham gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng vườn cây và sản phẩm cà phê Đăk Hà; số lượng hộ dân tham gia sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn Việt Gap và cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C ngày càng tăng, từng bước đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nước ngoài. Sản phẩm cà phệ bột Đăk Hà được hiệp hội người tiêu dùng bình chọn thuộc tốp 500 sản phẩm có chất lượng, qua đó từng bước nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Ban kinh tế TW và lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở chế biến cà phê bột của HTX Nông nghiệp sản xuất và Thương mại Sáu Nhung

Có thể thấy, vai trò của KHCN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, giá trị các sản phẩm ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để KHCN thực sự tạo ra bước đột phá cho sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp của trong thời gian tới, huyện Đăk Hà đã xác định mục tiêu: Tiếp tục thực hiện đồng bộ có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU về phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý Nhà nước, hoạt động của ngành giáo dục và các chương trình giảng dạy theo phần mềm hệ thống quản lý trường học; vận động các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, thay thế các máy móc thiết bị đã lạc hậu, năng suất thấp và tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, năng lượng, sử dụng lao động giản đơn bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; triển khai có hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác hành chính, xây dựng hệ thống chính trị và phục vụ đời sống. Đồng thời, triển khai thực hiện các đề tài, dự án đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng đề tài, dự án chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

QT  

Tác giả: QT  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan