A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần phát huy vai trò “thượng đế” của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của Nhà nước và xã hội. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ giảm bệnh tật, tăng cường sức lao động mà còn nâng cao sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và thể hiện nếp sống văn minh của đất nước.
Cần phát huy vai trò “thượng đế” của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh minh họa

 Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã khẳng định rõ sự cần thiết phải tăng cuờng quản lý, kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm trong đó thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ của chính người tiêu dùng thực phẩm trong việc đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

An toàn thực phẩm là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều khâu trong cả một chuỗi từ lựa chọn con giống, nuôi trồng đến thu hoạch, chế biến, lưu thông, phân phối … tiêu dùng. Bất kỳ sai sót trong khâu nào đều dẫn đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn. Vì vậy cần coi trọng tất cả các khâu.

Người tiêu dùng có “trăm tai ngàn mắt”, có mặt khắp nơi. Người tiêu dùng là người trực tiếp tiêu dùng các loại thực phẩm nên có thể phát hiện được những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có thể tiếp cận có sở sản xuất, chế biến thực phẩm cả những lúc mà thanh tra không thể tiếp cận được. Chỉ cần người tiêu dùng có ý thức vì lợi ích cộng đồng, có kiến thức nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có cơ chế rõ ràng thì họ có thể giúp các cơ quan chức năng phát hiện một cách chính xác, kịp thời những vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một tác động hêt sức quan trọng không những đến hành vi của các nhà chế biến, kinh doanh mà còn có tính quyết định đến toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đó là thái độ, hành vi của người tiêu dùng. Sản xuất, chế biến, phân phối … cuối cùng là để tiêu dùng. Nếu không được người tiêu dùng chấp nhận thì toàn bộ các khâu trên đều không có ý nghĩa. Người tiêu dùng thích thịt gà ta thì trên thi trường có gà thả vườn, gà chạy đồi; người tiêu dùng không thích lợn nuôi công nghiệp, có dùng thuốc tăng trọng thì trên thị trường có ngay lợn nuôi thủ công, lợn cắp nách …

Để lựa chọn và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo thì mỗi người tiêu dùng hãy là “Người tiêu dùng thông thái” tức là tự trang bị cho mình những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Văn Tài - Trung tâm ATVSTP Đăk Hà  

Tác giả: Văn Tài - Trung tâm ATVSTP Đăk Hà  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan