A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thấy gì qua việc khai thác tiềm năng hồ Đăk Ui

Hồ Đăk Ui là tên gọi quen thuộc của Đập Mùa Xuân, thuộc địa bàn xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, Kon Tum. Với tổng diện tích mặt nước là 290 ha, hồ Đăk Ui là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho 3/4 diện tích đất canh tác cho nhân dân huyện Đăk Hà. Đặc biệt, hồ Đăk Ui rất có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Thấy gì qua việc khai thác tiềm năng hồ Đăk Ui

Năm 2005, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc quản lý bảo vệ nguồn nước, môi trường gắn với phát triển và khai thác nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích mặt nước, hồ Đăk Ui được tỉnh Kon Tum giao cho Công ty khai thác Thuỷ nông trực tiếp khai thác quản lý... Công ty Thuỷ nông đã tiến hành lập dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Theo đó, tháng 3/2005, Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm, xã Đăk Ui được thành lập với 23 xã viên tham gia, trong đó 19 xã viên là người dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Văn Hào (thôn 8), nguyên là cán bộ công an được bầu làm Chủ nhiệm. HTX Đồng Tâm đã ký hợp đồng với Công ty Thuỷ nông thực hiện dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ Đăk Ui với thời hạn 5 năm.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hào cho biết: Do thủ tục nhận hồ Đăk Ui chậm, nên mãi đến tháng 11/2005, HTX mới tiến hành thả 1,2 tấn cá giống. Mặt khác, do thả vào cuối vụ nên chất lượng cá giống cũng không đảm bảo. Do đó, vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 10 vừa qua, sản lượng đánh bắt chỉ đạt 1,5 tấn (dự kiến đạt 3 tấn), số tiền thu ban đầu được gần 37 triệu đồng/137 triệu đồng tổng đầu tư vào dự án. “Tháng đầu tiên chúng tôi lỗ gần 5 triệu đồng, nhưng với tiềm năng như hồ Đăk Ui và qua theo dõi tốc độ phát triển của các loại cá nuôi, chắc chắn vào thời điểm thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2007, kết quả sản lượng sẽ đạt gấp đôi, chúng tôi đang phấn đấu tạo thu nhập bình quân cho xã viên đạt từ 800000-1.000000đồng/tháng, lúc đó xã viên không lo đói nữa!”–giọng Chủ nhiệm Hào đầy tự tin.

Chủ nhiệm Hào cho biết thêm: HTX có rất nhiều ý tưởng trong việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn nước, nhưng cái khó hiện nay là diện tích đất đồi, đất ven hồ đều đã có chủ, trong khi đó bà con gần như chưa phát triển được gì. HTX rất mong tỉnh, huyện xúc tiến các dự án đầu tư cho đồng bào trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa bảo vệ được nguồn nước, môi trường, vừa tạo cảnh quan cho du lịch sinh thái phát triển.

Chủ trương tiếp theo của HTX là sẽ đầu tư để sản xuất con giống, trồng cỏ voi, như vậy vừa giảm được chi phí, vừa chủ động được con giống và nguồn thức ăn. Ngoài ra, để tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng mặt hồ, HTX đã đề xuất với huyện phát triển thêm mô hình nuôi cá lồng, (chủ yếu là giống cá Diêu hồng). Tuy nhiên, HTX cần phải tham khảo và học tập thêm kinh nghiệm từ những mô hình nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương khác. Hiện nay, đời sống của đồng bào khu vực lòng hồ Đăk Ui gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhưng các hộ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, do chưa thấy được hiệu quả kinh tế từ việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nếu HTX làm ăn thành công không những cải thiện được cuộc sống cho bà con xã viên mà còn thay đổi được nếp nghĩ, cách làm cho nhiều hộ nghèo, tạo được công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong xã. Ông Hào cho biết: HTX luôn “mở cửa” cho các hộ gia nhập HTX, ưu tiên cho các hộ nghèo chỉ thu trước một nửa cổ phần theo điều lệ, quy định. 

Mô hình HTX nuôi trồng thuỷ sản hồ Đăk Ui tuy mới bắt đầu, song sau một thời gian hoạt động, đồng bào các dân tộc trong xã đã có thêm kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình kinh tế mới, đó la tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ hiện có để nuôi trồng thuỷ sản tăng thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống... 

Bài và ảnh: Thu Phương  

Tác giả: Bài và ảnh: Thu Phương  
Nguồn:huyendakha.kontum.gov.vn Copy link

Tin liên quan