Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum thông tin tình hình tiềm ẩn nguy cơ mua bán người sang Lào
Theo báo cáo của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, có một số công dân Việt Nam đã được cơ quan chức năng Lào giải cứu và xác định là nạn nhân bị mua bán. Hầu hết các trường hợp này đều bị lừa đảo làm việc trong các sòng bạc, bị ép làm việc quá giờ, bỏ trốn thì bị đánh đập, muốn nghỉ việc và rời khỏi cơ sở làm việc thì phải nộp tiền chuộc rất cao, khó liên hệ với các cơ quan chức năng để xin giải cứu.
Theo thông tin chưa chính thức, hiện có thể có rất nhiều công dân Việt Nam đang làm việc tại đặc khu Tam giác Vàng, tỉnh Bò-kẹo, Lào (cùng với công dân một số nước như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a), chủ yếu làm việc trong các sòng bạc. Vấn đề lao động cưỡng bức đang nổi lên tại Bò-kẹo, Lào cũng như vấn đề đang diễn ra tại Cam-pu-chia, Mi-an-ma hay tình trạng công dân Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp cờ bạc ở Phi-líp-pin đặt ra nhiều nguy cơ mua bán người.
Với tình hình trên, Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình công dân xuất cảnh, di cư sang Lào cũng như ra nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về di cư hợp pháp, việc làm an toàn (tìm hiểu kỹ về công việc, điều kiện làm việc, hợp đồng lao động trước khi quyết định xuất cảnh), thủ đoạn của tội phạm mua bán người (lừa đảo việc nhẹ lương cao để “nạn nhân” đồng ý, tự nguyện xuất cảnh, nhưng sau đó bị bóc lột, cưỡng bức lao động) nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ mua bán người và đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người; thông tin kịp thời các trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài để thực hiện công tác xác minh, xác định, tiếp nhận và hỗ trợ, giải cứu nạn nhân.
Đầu mối liên lệ: Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum, điện thoại: 0260.3590.569; 0260.3590.477.