A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị vùng DTTS

Nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo nhanh và bền vững, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm của đề án không chỉ hướng đến huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS.

Thu hái Cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín trên cánh đồng mẫu thôn Kon K'Lốc, xã Đăk Mar

Cánh đồng cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 ở thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar đang bước vào đợt tưới thứ III. Nhìn vào vườn cà phê xanh ngút ngàn này ít ai biết được rằng, cánh đồng mẫu sản xuất với quy mô 78 hecta của Công ty được trồng theo hướng ứng dụng Công nghệ cao và được chăm sóc bởi 93 công nhân là hộ DTTS Xê Đăng tại thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà.

Để thực hiện mô hình này, về phía công ty đã giao khoán cho các hộ dân, bình quân 0,8 hecta/người. Ngoài việc cấp phân bón, cây giống trồng ban đầu, công ty còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cho các hộ tham gia nhận khoán. Được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật theo mỗi giai đoạn đã tạo cho cây phê đạt năng suất cao về sản lượng. Cụ thể, trong vụ mùa 2021 – 2022, sản lượng bình quân thu về ước đạt trên 10 tấn cà phê tươi/hecta. Để hướng tới mục tiêu đạt năng suất từ 5 đến 7 tấn Cà phê nhân xô/hecta, bên cạnh ứng dụng Công nghệ cao vào quy trình chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm Cà phê, việc đảm bảo tỷ lệ thu hái quả chín đạt trên 95% đã được quán triệt ngay từ khi các hộ làm hợp đồng nhận khoán.

Ông Vũ Văn Lăng - Trưởng phòng nông nghiệp Công ty TNHH MTV Cà phê 704 cho biết: hàng năm Công ty ban hành một quy trình sản xuất giao cho Đội trưởng giao cho phòng kế hoạch đôn đốc triển khai hướng dẫn người lao động thực hiện đúng quy trình đó. Trong quá trình thực hiện những trường hợp nào người ta thực hiện không được chúng tôi hướng dẫn nhắc nhở để làm sao người ta thực hiện cho đúng quy trình kỹ thuật, tất cả các khâu.

Anh A Rôih, người làng Kon K’lốc, xã Đăk Mar nhận chăm sóc khoảng 2 hecta cà phê sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 từ năm 2016. Ban đầu tham gia, gia đình ông lo ngại việc sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao khó làm, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ Công ty, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong làng nhận chăm sóc vườn cây đều thực hiện đảm bảo theo yêu cầu của công ty. Mô hình tưới nước tiết kiệm là một ví dụ điển hình cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật vào canh tác cà phê mang lại hiệu quả. Bởi toàn bộ hệ thống tưới của Công ty đều áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa di động. Song song với đó, công ty còn hướng dẫn cho bà con trong thôn biết rõ về kỹ thuật trồng trọt, tức là giúp bà con quản lý được cỏ dại, dịch hại, sử dụng thuốc diệt cỏ, dùng phân đúng cách. Chính vì vậy, cây cà phê ở vùng Kon K’lốc hiện đang sinh trưởng tốt.

Theo anh A Rôih - Đội trưởng đội sản xuất Cà phê thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar: Ngày xưa bà con chỉ là làm theo thói quen cũ, chưa làm tập trung nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hiện nay, Công ty đã có sự triển khai trực tiếp cho bà con từ bước đầu thu hái đúng thời điểm, đúng thời gian, đúng quy trình, phương án của công ty. Bà con thực hiện theo quy trình đã xây dựng để làm có hiệu quả từ khâu sản xuất, thu hái đến chế biến.

Thu hái Cà phê đảm bảo tỷ lện quả chín trên 95%

Không chỉ ông A Rôih, nhiều người dân trong làng Kon K’lốc nhận khoán chăm sóc trên cánh đồng cà phê ở làng Kon K’lốc cũng rất tự tin. Hiện nay, Cà phê thuộc cánh đồng mẫu ứng dụng Công nghệ cao của công ty TNHH MTV cà phê 704 đã hết giai đoạn kiến thiết cơ bản, người dân nhận chăm sóc vườn cà phê theo phương thức khoán công đoạn; còn dự kiến khi cây cà phê chính thức đi vào kinh doanh, Công ty từng bước thực hiện khoán vườn cây.

Trong thời gian qua, cùng với những chính sách của Trung ương, địa phương hỗ trợ người dân và chủ thể liên kết trong chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS. Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông - Lâm sản Nghĩa Phát được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình nông - lâm kết hợp vào địa bàn huyện Đăk Hà từ năm 2019. Đến nay, Công ty đã triển khai đầu tư hơn 750 tỷ đồng trên quy mô 270 hecta cây sầu riêng Musang King xen với mít Thái, 45 hecta cây Dổi xanh. Đến nay, tỷ lệ các loại cây trồng đã xuống giống có tỷ lệ sống trên 80%, phát triển tốt và bước đầu cho thu hoạch. Điều đáng nói là Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động phổ thông tại địa phương, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm với thu nhập ổn định giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn giúp người DTTS tại địa bàn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trong tư duy, tập quán và kỷ luật lao động.

Sản xuất Nông nghiệp ứng dụng CNC tại Công ty TNHH sản xuất và chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát

Anh Phan Văn Quyết – Phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông Lâm sản Nghĩa Phát chia sẻ: Kỹ thuật, mỗi công ty sẽ có một kỹ thuật riêng để hướng dẫn cho công nhân để họ thành thạo công việc ở đây. Về mặt ràng buộc, thì công ty không có gì ràng buộc quá cao, chỉ có giúp cho bà con về nguồn thu nhập, khi thu nhập của bà con cao lên thì bà con mới gắn kết với công ty và tạo ra đời sống cho bà con không những làm cho công ty sau mà ở những nơi khác bà con nắm được kỹ thuật để áp dụng trong mỗi gia đình trong sản xuất.

Một trong những điểm nổi bật của tỉnh ta trong thời gian gần đây, đó chính là khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bởi thực tế, nếu sản xuất theo hình thức cá thể, một mình, hộ dân khó có thể đưa nông sản ra thị trường một cách hiệu quả, đặc biệt là ở vùng ĐBDTTS. Chính vì vậy, việc tổ chức liên kết giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất ở vùng ĐBDTTS là điều hết sức cần thiết nhất hiện nay mà mỗi địa phương cần triển khai nhân rộng.

Đồng chí Hà Tiến - PBT Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thăm trang trại Sầu riêng và Mắc ca tại xã Đăk Hring

 

Xã Đăk Hring tổ chức tham quan diện tích Mắc ca trên địa bàn

Theo ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà, Hiện nay việc liên kết chuỗi vùng ĐBDTTS còn gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt hơn việc liên kết, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trong các HTX. Qua đó, hướng việc sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi để vừa làm ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, vừa tăng cường sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu của các của sản phẩm tại địa phương.

 


Tác giả: Trọng Nghĩa

Tin liên quan