A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký kết hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm

Ngày 02/7, UBND huyện Đăk Hà làm việc với Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa để ký kết chương trình hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Đăk Hà. Đồng chí Hà Tiến – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi làm việc.

Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đăk Hring

Trên địa bàn huyện Đăk Hà hiện có khoảng 30 hộ dân tại các xã Hà Mòn, Đăk Hring đang trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 35ha, bình quân 01 ha có thể cung cấp thức ăn để nuôi và thu hoạch được 1,5-1,7 tấn kén/năm, giá kén thu mua trên thị trường hiện nay khoảng 200.000đ/kg và có thể có tiềm năng phát triển mạnh, phù hợp với trình độ canh tác của người dân trên địa bàn huyện.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trình bày hiện trạng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm
Đại diện Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa phát biểu tại buổi làm việc

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 26/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà về cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và các Chương trình, Kế hoạch phát triển KT – XH. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà ban hành Kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện với mục tiêu: Thúc đẩy việc hợp tác phát triển chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện; phát triển chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm giữa hộ gia đình, THT, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà với Công ty TNHH dâu tằm Minh Hóa. Mục tiêu cụ thể: Trong năm 2024, trồng mới ít nhất 1.000 ha dâu, sản lượng kén: 400 tấn. Đến năm 2025, diện tích trồng dâu: 1.200 ha, sản lượng kén đạt: 1.800 tấn. Qua đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho trên 3.000 lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Việc cải tạo vườn tạp để trồng dâu nuôi tằm sẽ là bước khởi đầu cho nghề nông thôn trồng dâu nuôi tằm. Cải tạo vườn tạp để trồng dâu nuôi tằm sẽ tận dụng hết tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu,... về lao động phổ thông, đơn giản ít hao tốn sức lực, vốn đầu tư ít, nhanh cho thu hồi, dễ có lợi nhuận thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình nhất là gia đình hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ đông con, hộ có sức lao động trung bình cũng có thể vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Hà Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi làm việc

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện yêu cầu: Các cơ quan chuyên môn, các xã thị trấn phối hợp với tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng dâu theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Tổ chức các lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho lao động nông thôn; Phát huy vai trò của lực lượng khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông cơ sở, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, giới thiệu, cung ứng giống cây trồng vật nuôi đảm bảo theo quy định; Xây dựng mô hình thử nghiệm, nghiên cứu, chọn tạo giống dâu phù hợp để giảm chi phí công lao động và nâng cao năng suất, sản lượng kén tằm. Tăng cường vai trò và các biện pháp cụ thể hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, đây sẽ là nhân tố trung gian làm cầu nối giữa các hộ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị thu mua trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tơ tằm trên địa bàn;

Cân đối, bố trí ngân sách hợp lý và lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, sự nghiệp nông nghiệp; các chương trình mục tiêu quốc gia; ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn khác,…để hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế vườn hộ đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn.

Ký kết hợp tác liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Tại buổi làm việc, UBND huyện Đăk Hà đã ký biên bản ghi nhớ với các nội dung:

Đối với UBND huyện Đăk Hà: Phối hợp với Công ty TNHH dâu tằm Minh Hóa rà soát quỹ đất trong Nhân dân có khả năng trồng dâu để nuôi tằm, để hình thành các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ kén tằm trên địa bàn huyện; Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã… để tham gia liên kết chuỗi sản xuất trồng dâu, nuôi tằm và tiêu thụ kén tằm trên địa bàn huyện; Thu hút đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm vào chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn hàng năm của huyện.

Đối với Công ty TNHH dâu tằm Minh Hóa: Phối hợp với UBND huyện Đăk Hà khảo sát, đánh giá hiện trạng, quy hoạch vùng đủ điều kiện trồng dâu, nuôi tằm để liên kết sản xuất; Liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm giữa công ty với Hộ gia đình, THT, HTX… thông qua hợp đồng liên kết, có xác nhận của chính quyền địa phương; Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho tổ chức, hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng kén tằm theo hợp đồng liên kết theo giá thị trường.


Tác giả: Trọng Nghĩa

Tin liên quan