A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích cực dồn đổi ruộng đất, xây dựng “cánh đồng lớn”

Tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề này, những năm qua, huyện Đăk Hà tích cực triển khai kế hoạch, đảm bảo đồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chuyển giao công nghệ phun thuốc BVTV bằng hệ thống máy bay không người lái (Ảnh: Trọng Nghĩa)

Theo Kế hoạch số 120/KH-UBND (ngày 23/6/2017 UBND) của UBND huyện Đăk Hà về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020 và đến năm 2025; trong thời gian đầu, huyện Đăk Hà thực hiện tập trung đất để sản xuất rau, hoa, trồng cỏ phát triển chăn nuôi, hình thành vùng nguyên liệu mía, mì; sau đó, thực hiện tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2025, tất cả các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ việc tích tụ đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, huyện Đăk Hà đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 15-20%; đến năm 2030 chiếm 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; duy trì các sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia, tham gia cùng ngành kinh tế nông nghiệp hàng hóa của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Theo đó, để tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,  xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu gắn với xây dựng nông thôn mới trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm vườn cây ăn trái hữu cơ tại xã Hà Mòn

Các địa phương tập trung rà soát, vận động người dân tiến hành dồn đổi, tích tụ đất đai để hình thành “cánh đồng lớn” ở những nơi thuận lợi, tạo thành những khu, vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún, lạc hậu. Đồng thời, tăng cường liên kết và phát huy vai trò của “6 nhà” (nhà nông-Nhà nước- doanh nghiệp - ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối) để đảm bảo hội tụ các yếu tố về cơ chế, chính sách, nguồn lực, kỹ thuật, thị trường để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, bước đầu trên địa bàn huyện Đăk Hà đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương.

Cụ thể, với các loại cây ngắn ngày, huyện Đăk Hà đã xây dựng được mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trồng lúa thơm tại xã Đăk La với diện tích 35ha, năng suất đạt 90 tạ/ha; vùng chuyên canh trồng rau tại xã Đăk Ngọk với quy mô 24ha và vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa tại thị trấn Đăk Hà với quy mô 50ha.

Với cây dài ngày, Đăk Hà tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn và đưa vào trồng mới 100ha cà phê theo quy trình canh tác đồng bộ, áp dụng giống mới đại tiêu chuẩn và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ tại xã Đăk Mar; quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ trên địa bàn các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà với quy mô 750ha theo tiêu chí “cánh đồng lớn”. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh thực hiện tái canh cà phê, đến nay, toàn huyện đã có hơn 12.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp được phá bỏ để trồng lại với các giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn như cà phê vối lai đa dòng, các dòng cà phê vô tính TR4, TR9, TRS1, xanh lùn.

Trên địa bàn huyện Đăk Hà hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.936ha và 1 doanh nghiệp sản suất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 220ha đã được UBND tỉnh công nhận.

Hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng hữu cơ

Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn đã góp phần tạo điều kiện để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và bơm nước đạt 100%; gieo cấy trên 45%; thu hoạch 98%; sấy, tuốt, đập, tách hạt 70%; vận chuyển 98%.

Thực tiễn cho thấy, việc tích tụ ruộng đất, xây dựng “cánh đồng lớn” và vùng sản xuất chuyên canh tập trung đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để Đăk Hà tiếp tục đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia dồn đổi, tập trung đất sản xuất để hình thành các “cánh đồng lớn”. Huyện Đăk Hà cũng đã có kế hoạch rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển nông nghiệp để tạo quỹ đất thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động tối đa nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai; kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia xây dựng “cánh đồng lớn” và liên kết với nông dân.

Nguồn: Thùy Hương (Báo Kon Tum)


Tin liên quan