Hướng dẫn các biện pháp phòng trừ một số sinh vật gây hại chính trên cây trồng chính vào mùa mưa trên địa bàn huyện Đăk Hà
Ngày 13 tháng 7 năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đẩy mạnh tăng cường công tác phòng, trừ sinh vật chính gây hại trên cây trồng chính vào mùa trên địa bàn huyện Đăk Hà, chủ động hướng dẫn Nhân dân kịp thời các biện pháp phòng trừ không để sinh vật gây hại phát sinh ổ dịch, thành dịch và phòng trừ đạt hiệu quả, với một số nội dung cụ thể như sau
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
- Chủ động phòng trừ bệnh: phòng là chính; trừ kịp thời, đúng thời điểm, chính xác; phòng và trừ phải kết hợp chặt chẽ với nhau thành một hệ thống tổng hợp và những biện pháp dùng trong hệ thống phòng trừ tổng hợp phải mang lại hiệu quả kinh tế.
- Các biện pháp trong phòng trừ tổng hợp phải có tác dụng bổ sung và phát huy vai trò cho nhau, không được khống chế, mâu thuẫn làm mất tác dụng của nhau.
- Việc thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp phải đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài; vừa bảo vệ được cây trồng vừa bảo vệ được môi trường sống.
II. CÁC BIỆN PHÁP CHUNG ĐỂ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:
1. Biện pháp dùng giống chống bệnh:
- Đặc tính di truyền học của một số loại giống có thể có tính kháng hay nhiễm đối với một số loại sâu bệnh, biết được đặc tính đó để chúng ta bố trí các loại giống phù hợp nhằm hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh. Khi gieo trồng một loại giống mới ta cần biết lý lịch loại giống đó để bố trí gieo trồng cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Ví dụ ở địa bàn thị trấn và một số xã của Huyện thường hay bị bệnh đạo ôn lúa trong vụ mùa vì vậy ta nên hạn chế dùng các giống lúa mẫn cảm với bệnh như IR64, VND9520, ... Đối với một số loại cây trồng ta không nên dùng quá nhiều một loại giống trong phạm vi rộng trong nhiều năm vì như vậy một số dịch hại sẽ có khả năng bùng phát, vì một giống kháng trong điều kiện như vậy có thể sẽ trở thành giống nhiễm.
- Một số loại sâu bệnh có thể lây truyền qua nguồn giống (hạt, hom, củ,...) vì vậy ta không nên dùng các loại giống đã nhiễm bệnh để làm giống cho vụ sau, khi cần thiết phải sử dụng nhất thiết phải xử lý (hạt giống, hom giống,...) bằng các loại thuốc hóa học.
2. Biện pháp canh tác:
Biện pháp canh tác bao gồm những biện pháp kỹ thuật trồng trọt, cụ thể đối với từng loại cây trồng có tác dụng chung là tạo ra các điều kiện sinh thái trực tiếp hoặc gián tiếp có lợi cho sự sinh trưởng của cây và không có lợi cho sự phát triển và tích lũy cảu sâu bệnh. Biện pháp canh tác bao gồm:
a. Bố trí thời vụ: Việc bố trí thời vụ phù hợp có thể tránh khỏi được một số điều kiện bất thuận của ngoại cảnh tạo điều kiện để cây trồng sinh trưởng tốt, đồng thời tránh được các lứa sâu, các loại bệnh trong các giai đoạn mẫn cảm của cây trồng.
b. Kỹ thuật làm đất: đất đai hoại mục thuần thục là điều kiện để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, làm đất sớm tiêu diệt được một số loại sâu bệnh hại tồn lưu trong đất. Nếu có diều kiện thì làm ải đất “một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân” là một câu tục ngữ thể hiện nếu đất đai được phơi ải tốt cây trồng sẽ có điều kiện phát triển tốt. Đặc biệt, các loại đất dùng để làm vườn ươm phải được phơi khô kỹ để phòng ngừa các bệnh gây hại về rễ. Đối với cây lúa nước nếu không có điều kiện làm ải thì ta làm dầm bằng cách cày lật đất và ngâm nước sớm đảm bảo đất ruộng được ngấu, hoai mục, sẽ tiêu diệt được một số loại sâu bệnh trên tàn dư thực vật và tránh được bệnh sinh lý nghẹt rễ.
c. Luân canh cây trồng (đối với cây hàng năm):
Có những loại cây chỉ nhiễm sâu bệnh này mà không bị nhiễm sâu bệnh khác nên ta thay đổi cây trồng nhất định trên diện tích đất nhất định làm thời gian và không gian cách ly của sinh vật với cây, làm cho sinh vật không có thức ăn phù hợp làm nó suy yếu và mất khả năng gây hại. Như vậy luân canh tốt không có lợi cho sinh vật gây hại và nguồn sâu bệnh tồn tại trong đất. Luân canh cũng chỉ có tác dụng đối với sinh vật có khả năng chuyên tính hẹp, không luân canh những cây trồng khác nhau nhưng cùng họ với nhau. Mục đích của việc luân canh là cách li giữa sinh vật gây bệnh với cây trồng và có tác dụng cải tạo đất (luân canh với các cây họ đậu) làm cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt hơn, đất không khô kiệt đi.
Muốn luân canh đạt kết quả tốt phải đạt mấy tiêu chuẩn sau:
Nắm được thành phần sâu bệnh hại của các loại cây trồng bố trí trong hệ thống luân canh.
Nắm được muối quan hệ giữa sinh vật gây bệnh với cây trồng từng loại để bố trí sao cho cây trồng sau và cây trồng trước kế cận không cùng một loại sâu bệnh phá hoại.
Cần nắm được các dạng tồn tại của nguồn sâu bệnh, thời gian sống của nó để xác định thời gian luân canh hợp lý. Người ta chỉ trồng cây trồng trước trở lại khi mà nguồn bệnh trong đất mất sức sống. Điển hình về sự cần thiết phải thực hiện luân canh là cây dưa hấu.
d. Biện pháp bón phân: Bón phân đầy đủ, cân đối và hợp lý sẽ làm cho cây trồng khỏe mạnh, cứng cáp hạn chế được sự phát sinh gây hại của một số loại sâu bệnh. Phân đạm có xu thế giảm tính chống sâu bệnh, kali tăng tính chống sâu bệnh cho cây.
Tùy từng loại đất cụ thể để bón các loại phân cho phù hợp. Các loại đất chua phèn nên bón vôi cải tạo và bón các loại phân có tính kiềm hay trung tính không nên bón các loại phân chua sinh lý. Khi cây trồng đang bị bệnh không nên dùng các loại phân qua lá để phun. Ví dụ bệnh đạo ôn trên lúa việc dùng phân bón lá sẽ làm cho bệnh nặng thêm khó phòng trừ.
Việc bón phân hữu cơ đầy đủ vừa cung cấp tốt các loại chất dinh dưỡng cho cây trồng vừa tạo điều kiện cho khu hệ sinh vật có ích trong đất phát triển để hạn chế được phát sinh gây hại của một số nấm bệnh và tuyến trùng trong đất.
đ. Biện pháp điều chỉnh mực nước: Một số sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh hơn trong điều kiện thiếu nước như bọ trĩ, tuyến trùng hại lúa, ngược lại một số cây trồng cạn nếu dư nước cũng dễ phát sinh một số bệnh. Biết được đặc tính gây hại của một số loài sâu bệnh ta điều chỉnh mực nước cho phù hợp với từng đối tượng, từng loại cây để hạn chế sâu bệnh.
e. Vệ sinh đồng ruộng: Nhiều loại cây trồng khi thu hoạch còn để lại các tàn dư sâu bệnh trên đồng ruộng, để hạn chế sâu bệnh lây lan sang vụ sau ta cần thu gom ta cần tiêu hủy các tàn dư đó. Một số bộ phận bị bệnh của một số cây trồng khi rơi rụng phát tán cũng làm lây lan nguồn bệnh vì vậy cũng cần phải được làm vệ sinh xử lý.
3. Biện pháp sinh vật học: là biện pháp sử dụng các vi sinh vật có ích hoặc các chất kháng sinh do chúng tiết ra để diệt các vi sinh vật có hại. Biện pháp này an toàn với người, với cây trồng và động vật, không ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên hiệu quả không được thể hiện rõ trực tiếp nên ít được nhân dân áp dụng.
a. Dùng thiên địch và các vi sinh vật có ích để phòng trừ sâu bệnh. Việc bảo vệ tập doàn thiên địch trên đồng ruộng là một biện pháp quan trọng để khống chế sâu hại bằng cách chỉ sử dụng thuốc trừ sâu bệnh khi thật cần thiết và đặc biệt không dùng thuốc trừ sâu để phòng ngừa sâu hại đầu vụ.
b. Dùng các chất kháng sinh của vi sinh vật có ích tiết ra nh steptomicin, penicilin, phytobatcriomicin, tricodexnin, fytobacteriocyl, ....
c. Sử dụng các phytonxit: giã lá cây lấy dịch để xử lý hạt giống hoặc phun cho cây.
4. Biện pháp lý cơ học:
a. Phương pháp chọn lọc các hạt giống để đảm bảo độ thuần.
b. Nhổ bỏ những cây sâu bệnh, cắt bớt cành bệnh lúc bệnh chớm phát sinh, bắt sâu bằng biện pháp thủ công.
c. Xử lý hạt giống bằng phương pháp nhiệt độ: như xử lý hạt giống bằng nước 2 sôi 3 lạnh.
5. Biện pháp kiểm dịch thực vật: Kiểm dịch đối nội và kiểm dịch đối ngoại. Đối nội: các vùng trong nước. Đối ngoại: xuất và nhập với nước ngoài.
6. Biện pháp hóa học: Là biện pháp cuối cùng, khi sâu bệnh phát sinh gây hại có khả năng ảnh hưởng đến năng suất mà các biện pháp khác thực hiện không hiệu quả. Đây là biện pháp phổ biến hiện nay, việc thực hiện biện pháp hóa học thường mang lại hiệu quả trực tiếp rõ rệt. Tuy nhiên thực tế là vùng nào sử dụng càng nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì sâu bệnh vùng đó ở các vụ sau không hề giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng lên. Vì vậy bà con nên xem xét chỉ sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu khi thật cần thiết. Khi cần thiết phải sử dụng cần tuân thủ việc dùng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
Khi chọn mua thuốc BVTV nông dân cần biết rõ loại dịch hại cần phòng trừ. Nếu không xác định được dịch hại nên nhờ cán bộ kỹ thuật BVTV nhận diện giúp để có cơ sở chọn thuốc đúng và có hiệu lực cao để trừ loại dịch hại. Khi mua thuốc nên ưu tiên chọn thuốc ít độc với người và động vật máu nóng. Cần mua những loại thuốc có tác động chọn lọc (có tác dụng trừ sâu bệnh cao nhưng tương đối ít độc đối với sinh vật có ích như ong mật, cá tôm, ký sinh và thiên địch). Chọn thuốc an toàn đối với cây trồng, ít nguy hại đến người tiêu thụ sản phẩm. Chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn, không lưu tồn lâu dài trong nguồn nước và trong đất. Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Không sử dụng thuốc cấm.
6.2. Đúng liều lượng và nồng độ:
- Liều lượng là lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun. Pha đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất.
- Khi dùng thuốc BVTV, cần đọc kỹ hướng dẫn khi dùng thuốc, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Phun hết lượng thuốc đã tính toán trên thửa ruộng định phun. Nếu dùng liều lượng thuốc cao hơn khuyến cáo dễ gây nguy cơ tái phát dịch hại, càng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc của người đi phun thuốc, người sống gần vùng phun thuốc và người tiêu thụ sản phẩm có phun thuốc.
- Phun thuốc đúng lúc kịp thời vào thời điểm dịch hại trên đồng ruộng dễ bị tiêu diệt và theo dự tính, dự báo, điều tra của cơ quan chuyên môn BVTV.
- Phun thuốc đúng lúc là tác động vào lúc mật độ sâu hại đạt tới ngưỡng kinh tế (cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể).
- Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc vào những ngày thời tiết quá nóng, trời nắng gắt, trời sắp mưa, có gió to. Hạn chế phun khi cây đang ra hoa.
- Không phun thuốc gần ngày thu hoạch nông sản. Phải đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của từng loại thuốc trên từng loại nông sản.
- Phun thuốc đúng lúc nhằm hạn chế một phần tác hại của thuốc đối với sinh vật có ích. Ở những vùng nuôi ong mật, chỉ được phun thuốc vào xế chiều, khi ong đã về tổ.
- Pha thuốc đúng cách, làm thế nào để chế phẩm thuốc được hòa tan thật đồng đều vào nước. Phun thuốc đúng cách là phun rãi đều làm cho thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại.
- Trên cùng thửa ruộng chuyên canh không dùng một loại thuốc liên tục trong một vụ, nhiều năm liền nhằm ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc của dịch hại.
- Không tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc với nhau để phun trên đồng ruộng. Khi hỗn hợp 2 hay nhiều loại thuốc, có trường hợp gia tăng hiệu lực trừ dịch hại nhưng cũng có trường hợp bị phản ứng do hỗn hợp làm giảm hiệu lực trừ dịch hại hoặc dễ gây cháy lá cây trồng và gây ngộ độc cho người sử dụng.
- Sử dụng thuốc đúng cách để đảm bảo an toàn cho người phun xịt thuốc và môi trường xung quanh, cần lưu ý:
+ Trước khi phun thuốc BVTV cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho người phun thuốc như quần áo lao động, mũ, kính, khẩu trang, bao tay, ủng; dụng cụ pha thuốc như ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy và bình phun thuốc đã được kiểm tra không bị rò rỉ. Sử dụng thuốc có bao bì an toàn. Nơi pha thuốc phải gần ruộng cần phun, xa nguồn nước sinh hoạt, xa chuồng trại và gia súc.
+ Khi đang phun thuốc không nên ăn uống, hút thuốc, tránh không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt sẽ rất nguy hiểm.
+ Sau khi phun thuốc xong quần áo và các dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và phải được cất giữ trong kho riêng (cùng với nơi lưu chứa thuốc BVTV của gia đình).
+ Không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra nguồn nước sinh hoạt.
+ Tuyệt đối không được dùng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã dùng hết vào bất kỳ mục đích nào khác, phải hủy và chôn những bao bì này ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư.
III. MỘT SỐ SÂU BỆNH THƯỜNG PHÁT SINH GÂY HẠI CHÍNH TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH VÀO MÙA MƯA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN.
1. Cây lúa:
+ Giai đoạn mạ: Ốc bươu vàng, sâu keo và ruồi đục lá, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ; bệnh thối rễ (ngộ độc hữu cơ).
+ Giai đoạn đẻ nhánh: Ruồi đục lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, sâu cuốn lá nhỏ; bệnh thối rễ (ngộ độc hữu cơ); bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh vàng lá chín sớm.
+ Giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ bông: Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân; bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn.
+ Giai đoạn đông sữa - chắc xanh: Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, bọ xít dài bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn thân và bông lúa, bệnh lem lép hạt.
+ Giai đoạn chín sữa - chín sáp: Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen; bệnh đạo ôn cổ bông, gié và đạo ôn hạt lúa; bệnh khô vằn thân, bông và hạt lúa.
2. Cây ngô:
+ Giai đoạn cây con: Sâu xám, dế, sâu keo mùa thu, sâu cuốn lá.
+ Giai đoạn khác: Sâu keo mùa thu, rệp hại thân, cờ, bắp ngô, sâu đục thân, đục bắp; bệnh khô vằn; chuột, sóc gây hại thân, bắp ngô.
3. Cây sắn:
+ Giai đoạn mới trồng- nảy mầm: Mối
+ Giai đoạn hình thành rễ củ: Nhện đỏ, bệnh khảm lá, chổi rồng.
+ Giai đoạn tạo bột - chín bột: Bệnh thối củ, đốm lá, khảm lá.
4. Đậu đỗ: Sâu xám, rệp, sâu đục quả; bệnh héo rũ, rỉ sắt.
5. Cây cà phê: Rệp vảy xanh, rệp sáp, sâu đục thân, mọt đục cành; bệnh nấm hồng, thán thư, nấm muội đen.
6. Cây cao su: Bệnh nấm hồng, khô mặt cạo, loét sọc miệng cạo, bệnh rễ trắng, rễ nâu.
7. Cây ăn quả: Ruồi đục quả, rệp vảy xanh, rệp sáp, rệp bông trắng, sâu đục thân cành, sâu tiện vỏ cây; bệnh nấm hồng, bệnh thán thư cành lá, và trái và nứt trái do mất cân bàng dinh dưỡng.
8. Cây lâm nghiệp: (Keo, bạch đàn, bời lời): Mối, bọ hung, sâu róm, sâu trắng, sâu vạch xám, sâu túi và câu cấu; bệnh héo, đốm lá, đốm than, khảm, loét, thối mục, chảy nhựa, chổi sể, bồ hóng.
9. Cây dược liệu (đinh lăng, gừng, nghệ, sả): Mối, rệp sáp, sâu đục thân, đục củ; bệnh tối thân, nấm muội đen, khô vằn (bệnh khô vằn trên cây gừng, nghệ).