Đăk Hà: Tăng thu nhập từ xen canh mắc ca
Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã mạnh dạn trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê. Hiện nay, một số diện tích đã cho thu hoạch với năng suất ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, huyện Đăk Hà chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân đưa cây mắc ca vào trồng xen canh trong diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp. Để đảm bảo hiệu quả của việc trồng cây mắc ca, huyện Đăk Hà phối hợp với các cơ quan chuyên môn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca để người dân áp dụng vào sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, phát triển và khai thác hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này. Đến nay, toàn huyện Đăk Hà đã vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển được 380ha cây mắc ca, trong đó, có hơn 50ha đã cho thu hoạch, ước sản lượng khoảng 220 tấn trong năm 2023.
Tại xã Hà Mòn, cùng với việc tuyên truyền người dân hiểu rõ chủ trương phát triển cây mắc ca của tỉnh, huyện, xã cũng khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Vì vậy, đến nay, toàn xã đã phát triển 13ha cây mắc ca trồng tập trung và xen canh trong vườn cà phê; trong đó, có 5ha đã cho thu hoạch.
Năm 2016, ông Dương Văn Phi (ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà) trồng thử nghiệm 100 cây mắc ca trong vườn cà phê của gia đình tại xã Hà Mòn với mục đích ban đầu là để chắn gió cho cây cà phê. Đến năm 2020, những cây mắc ca bắt đầu trổ hoa, ra quả, ông Phi mới quan tâm tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại cây trồng này. Đến niên vụ 2022, những cây mắc ca cho thu hoạch ổn định hơn, năng suất trung bình một cây từ 15-20kg quả tươi, chất lượng hạt đáp ứng yêu cầu của các đơn vị thu mua. Với mức giá trung bình từ 100-120 ngàn đồng/kg, mỗi cây mắc ca mang về cho gia đình ông Phi khoảng 1,5 triệu đồng.
Ông Phi cho biết: Cây mắc ca rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lượng phân bón ít hơn các loại cây trồng khác và hoàn toàn có thể kết hợp với quá trình chăm sóc cây cà phê. Chính vì vậy, tôi đang có ý định trồng xen thêm khoảng 300 cây mắc ca để nâng cao thu nhập”.
Từ thành công ban đầu của ông Phi, đã có nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà tìm đến tham quan vườn để “mục sở thị” và sau đó cũng phát triển cây mắc ca xen canh trong vườn cà phê của gia đình.
Qua tìm hiểu và biết được cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên năm 2013 ông Trần Xuân Dũng (thôn 10, xã Đăk Hring) tìm mua 25 cây mắc ca về trồng xen canh trong 6ha cà phê. Đến năm 2016, 25 cây mắc ca bắt đầu trổ hoa và ra quả. Tuy nhiên, do chưa biết cách chăm sóc nên cây mắc ca của gia đình ông cho năng suất thấp, trung bình mỗi cây cho từ 5 - 8kg quả tươi. Để nâng cao năng suất cho cây mắc ca, ông Dũng tìm đến các mô hình trồng mắc ca hiệu quả để học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Thời gian sau đó, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây mắc ca của gia đình ông đã phát triển tốt, trung bình mỗi cây cho từ 20-30kg quả tươi. Khi thấy cây trồng cho năng suất ổn định, năm 2018 ông Dũng đã mạnh dạn trồng xen thêm 1.000 cây mắc ca. Nhờ đầu tư chăm sóc bài bản nên năng suất của cây mắc ca được nâng cao, trung bình mỗi cây cho từ 40 - 60kg quả tươi.
“Tôi không bán quả tươi như các hộ gia đình khác mà đầu tư máy móc để chế biến rồi bán thành phẩm. Trung bình mỗi năm gia đình tôi bán ra 1,5 tấn mắc ca thành phẩm, với giá bán 180 ngàn đồng/kg, mỗi năm tôi thu về hơn 250 triệu”- ông Dũng nói.
Ông Ngô Hồng Hưng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết, qua khảo sát thực tế đã có một số diện tích cho thu hoạch với năng suất ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đây là tín hiệu khả quan để địa phương xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển diện tích trồng, đưa cây mắc ca trở thành loại cây trồng để thoát nghèo bền vững.
“Để tránh rủi ro trong quá trình trồng và phát triển cây mắc ca, chúng tôi khuyến cáo người dân cần chọn mua cây giống ở những cơ sở có uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca ở các địa phương để có hướng hỗ trợ, khắc phục kịp thời nếu xảy ra tình trạng sâu bệnh”- ông Hưng nói.
Thu Hiền