A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đại thắng mùa Xuân 1975

Đại thắng Mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là chiến công vô cùng to lớn của đồng bào cả nước, của bao anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thắng lợi đó là sản phẩm tổng hợp của nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Ngày 27/1/1973, mặc dù Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, nhưng trên thực tế đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược đối với Việt Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (1973) đã khẳng định: Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng; tư tưởng chỉ đạo vẫn là nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công; phương hướng chiến lược của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “ta phải mạnh trên cả ba mặt trận để thắng địch, buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Sau Hội nghị, các cơ quan chiến lược tập trung giúp Quân ủy Trung ương chuẩn bị chủ trương và những giải pháp lớn về quân sự mà trọng tâm là xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Để giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh khởi thảo kế hoạch chiến lược trình Bộ Chính trị, tháng 4/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập “Tổ trung tâm” xây dựng bản đề cương kế hoạch chiến lược. Bản đề cương này hoàn thành vào ngày 26/8/1974, mang tên Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam.

Ngày 30/9/1974, tại Tổng hành dinh, Bộ Chính trị thảo luận tình hình miền Nam và bản dự thảo kế hoạch chiến lược do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Ngày 8/10/1974, phát biểu kết thúc phiên họp lần thứ nhất, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn… Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976”. Trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm: Toàn quân sẽ kiên quyết thực hiện bằng được nhiệm vụ lịch sử mà đồng chí Bí thư thứ Nhất thay mặt Đảng trao cho quân đội.

Nắm bắt và thực hiện chủ trương chiến lược của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974, quân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc bước vào giai đoạn chuẩn bị mới với nhịp độ khẩn trương hơn và quy mô rộng lớn hơn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình chiến trường miền Nam đang diễn biến hết sức mau lẹ. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, sau thắng lợi của Trung đoàn 16, Trung đoàn 250 (thuộc Bộ Tư lệnh Miền) tại khu vực núi Bà Đen, Suối Đá, quân địch ở Đông Nam Bộ tuy số lượng đông, nhưng bị căng kéo, kìm giữ khắp nơi. Trước tình hình đó, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thêm bàn đạp tiến công Sài Gòn. Trong lúc Chiến dịch Đường 14 - Phước Long được triển khai và đang trên đà thắng lợi, ngày 18/12/1974, Bộ Chính trị họp đợt hai tại “Nhà con rồng” Bộ Quốc phòng, quyết định: Chọn hướng tiến công chính Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột để mở màn cho cuộc tiến công chiến lược năm 1975.

Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Mưu kế của Đại tướng là bày ra một hình thế dàn trận chiến lược - bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên. Tiếp đó, Đại tướng cùng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã quyết định đưa Quân đoàn 4 vào Bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai quân đoàn này đóng ở các địa bàn này đã buộc địch phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ - tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới để sơ hở Tây Nguyên.

So với toàn bộ chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, Tây Nguyên là nơi địch yếu hơn cả. Nhưng Tây Nguyên chỉ thực sự yếu khi bị cô lập với các chiến trường khác. Bởi vậy, việc kìm giữ các sư đoàn cơ động tổng dự bị chiến lược của địch là một bộ phận hợp thành quan trọng trong việc cài thế của ta. Hơn nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Tây Nguyên làm mục tiêu chủ yếu, vì đây vừa có núi, vừa có cao nguyên, lại nằm trên đường chiến lược Hồ Chí  Minh.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Ngày 10/3/1975, quân ta tiến công và giải phóng Buôn Ma Thuột. Sáng ngày 16/3/1975, địch ở Tây Nguyên rút chạy. Chiến thắng Buôn Ma Thuột và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi không những tăng cường thế và lực cho ta mà còn xuất hiện thời cơ giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch ở Buôn Ma Thuột gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch bỏ Tây Nguyên thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đấy chúng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.

Ngày 18/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lên Bộ Chính trị: “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975)”. Tiếp đó, trong vòng 7 ngày từ 18-25/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích và đề đạt với Bộ Chính trị: Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tấn công Đà Nẵng, phải đánh Đà Nẵng ngay, ở hướng Sài Gòn lực lượng ta đã đủ, yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn.

Những nhận định và đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng để ngày 23/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay. Bộ Chính trị quyết định: Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5/1975).

Ngày 26/3/1975, tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng. Trên cơ sở phân tích các tình huống và phán đoán khả năng thực tế của địch trong thời điểm hiện tại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: Địch kêu gọi tử thủ, nhưng tình hình vẫn có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch rút vẫn còn tồn tại. Vậy phải có phương án đánh thật nhanh, thực hiện đúng phương châm khẩn trương, táo bạo, bất ngờ. Sau cuộc họp, nhân danh Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn phát triển nhảy vọt. Bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi tử thủ, nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp, cần nắm vững phương châm táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng, khẩn trương tiến công bao vây tiêu diệt địch…”.

Từ sự chỉ đạo sắc bén của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng sự phối hợp tiến công đồng loạt giữa các mũi, các hướng trên toàn mặt trận, đến 15 giờ ngày 29/3/1975, quân ta đã làm chủ căn cứ liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Đà. Thắng lợi này góp phần quan trọng đập tan một lực lượng quân sự lớn và bộ máy kìm kẹp của địch trên toàn bộ địa bàn Quân khu 1 của địch, đẩy chúng vào thế thất bại hết sức nghiêm trọng không thể cứu vãn, thúc đẩy thế tiến lên tất thắng của quân và dân ta.

Cùng với chiến thắng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu làm kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Ngày 14/4/1975, giữa lúc quân dân ta trên các hướng tiến công đang khẩn trương tạo thế và lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, theo đề nghị của Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi đến Mặt trận bức điện số 37/TK vào hồi 17 giờ 50: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Theo đó, 17 giờ ngày 26/4/l975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở màn. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh cột cờ nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, toàn bộ tiến trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ khi kế hoạch bắt đầu khởi xướng ở “Tổng hành dinh” cho đến ngày toàn thắng là sự hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện ở việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực chuẩn bị các kế hoạch chiến lược, tham mưu trúng, đúng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, chính xác, mà còn thể hiện ở khả năng “nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ” để chỉ đạo toàn quân đánh những đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.    


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu