A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số chính sách mới có hiệu lực trong tháng 3/2023

Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử là một trong số những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023.

 

Từ ngày 1/3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam.

Từ ngày 1/3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam.

Triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử

Từ ngày 1/3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam.

Hình thức của mẫu hộ chiếu này về cơ bản vẫn giống với hộ chiếu không gắn chip đang được cấp hiện nay, chỉ khác ở là có biểu tượng con chíp ngay ở mặt ngoài.

Hộ chiếu phổ thông gắn chip có tính bảo mật cao, khó sao chép, lấy cắp được những thông tin lưu trữ trong con chip, tránh tình trạng bị làm giả hộ chiếu. Trong chip cũng tích hợp nhiều thông tin như: vân tay, mống mắt, nhóm máu…

Với mẫu hộ chiếu gắn chip, người dân có thể làm thủ tục xuất nhập cảnh nhanh hơn qua cửa kiểm soát tự động.

Hiện tại người dân muốn được cấp hộ chiếu gắn chip vẫn cần đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm thủ tục và lấy dấu vân tay. Sau này, khi dữ liệu dân cư được liên thông hoàn toàn thì người dân hoàn toàn có thể làm hộ chiếu gắn chip trực tuyến ở nhà.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên

Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.

Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.

Tăng mức bồi thường cho người làm việc trong môi trường nguy hiểm

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).

Bổ sung thêm nhiều hoạt động đáng ngờ của hoạt động rửa tiền

Tháng 3/2023 cũng là thời điểm có hiệu lực của một Luật mới là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Luật này sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/3. Luật mới đã bổ sung thêm loạt dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử có thể kể đến như:

Trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung dấu hiệu: Người không cư trú thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại; Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực trung gian thanh toán, quy định các dấu hiệu gồm: Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không; Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường; Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP,…

Siết quản lý việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ

Theo Điều 9 Thông tư 04/2023/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 19/3/2023), việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ chho di tích và hoạt động lễ hội được quy định rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch ngay từ đầu vào.

Theo đó, tiền công đức, tài trợ sẽ được tiếp nhận theo một trong 4 phương thức sau:

Tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

Tiếp nhận tiền mặt: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức hoặc tiền đặt không đúng nơi quy định thì gom chung và định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

Tiếp nhận giấy tờ có giá: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.

Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.


Tác giả: Đức Mỹ (tổng hợp)

Tin liên quan