A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ huyện về cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà đã ban hành Nghị quyết số 07 về cả tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng chí PBT Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa tham quan mô hình kinh tế vườn theo hướng hữu cơ tại xã Hà Mòn

Đánh giá thực tiễn cho thấy, hiện toàn huyện có 3.247 hecta là diện tích đất vườn của 18.106 hộ gia đình, trong đó có 2.342 hecta diện tích đất vườn đã được sử dụng có hiệu quả, còn 904 hecta diện tích đất vườn chưa được sử dụng có hiệu quả.

Tại các vùng thuận lợi như Thị trấn Đăk Hà, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk La có diện tích vườn hộ nhỏ, bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, diện tích đất vườn cơ bản đã được rào bao quanh, các hộ chủ yếu trồng xen canh các loại cây ăn quả và cây công nghiệp, các loại rau, củ chăn nuôi  quy mô hộ gia đình.

Tại các xã vùng khó khăn Đăk Pxi, Đăk Long, Đăk Ui, Ngọc Wang, Ngọk Réo chủ yếu là người DTTS, diện tích vườn lớn, nhưng chưa được rào xung quanh hoặc rào tạm, để đất trống nhiều, một số ít hộ gia đình trồng xen một số loại cây như lô, m, bắp…, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng không có chuồng trại, chủ yếu là thả rông. Các sản phẩm từ vườn hộ chưa đáp ứng được nhu cầu cải thiện bữa ăn hằng ngày của người dân, giá trị kinh tế thấp, kém hiệu quả.

Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tổ chức tham quan mô hình trồng sầu riêng hữu cơ tại xã Hà Mòn

Qua đánh giá, phân tích cho thấy kinh tế vườn hộ gia đình chưa được phát huy, còn để đất trống nhiều; việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý; tập quán canh tác còn lạc hậu, năng suất thấp. Nguyên nhân của thực trạng trên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền có lúc chưa kịp thời, một số hộ dân chưa chú trọng việc cải tạo vườn; một bộ phận chưa có tính chủ động vươn lên, chậm trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chưa đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật vào sản xuất; chưa biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.

 Để khai thác hiệu quả các diện tích đất vườn hiện có, giúp Nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết Cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, với mục tiêu: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn hộ phù hợp với quy mô, đặc điểm của từng vườn và từng vùng; nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chăn nuôi, trồng trọt so với trước khi tiến hành cải tạo. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân về sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã, câu lạc bộ, hội, nhóm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phát triển sản xuất. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 90% số vườn được cải tạo và mang lại hiệu quả kinh tế.

Đồng hành cùng người DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm bằng cách cải tạo vườn tạp trồng rau

Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện chủ trương đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; phổ biến, quán triệt nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của kinh tế vườn cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cách làm hay, hiệu quả, mô hình cải tạo vườn hộ có hiệu quả của hộ gia đình để các địa phương, các hộ khác tham quan, học tập kinh nghiệm, lan tỏa và làm theo. Phân công đoàn viên, hội viên tham gia giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn hộ. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tiến hành thành lập Tổ công tác cấp xã, thị trấn; chọn thôn thực hiện làm mô hình điểm trong năm 2022, sau đó đánh giá và rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo. Huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc chung tay giúp đỡ người dân, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn hộ bằng những việc làm thiết thực như giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ vật tư, giống phân bón; hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, đưa các cây, con giống tốt có năng suất vào sản xuất như rau, củ, quả, nấm, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ở những nơi có điều kiện để tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đoàn viên thanh niên huyện Đăk Hà ra quân cải tạo đất, làm vườn rau xanh cho các hộ DTTS

Bên cạnh đó, thực hiện mô hình liên kết giữa các hộ trong cùng một thôn hoặc cụm dân cư để hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; Thúc đẩy hình thành các Hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích hình thành các câu lạc bộ, tổ hội nghề nghiệp, nhóm liên kết theo ngành, nghề để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích Nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây, nuôi con có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ dân và điều kiện tự nhiên của địa phương.

 


Tập tin đính kèm
Tác giả: Trọng Nghĩa

Tin liên quan