A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Hà - Nhiều công trình thủy lợi điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở

Do ảnh hưởng bởi mưa lũ trong năm 2021 và những tháng đầu mùa mưa năm nay, thời điểm hiện tại một số công trình thủy lợi, điểm xung yếu trên địa bàn huyện Đăk Hà bị hư hỏng có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình và thiệt hại trực tiếp đến nhiều diện tích sản xuất của bà con Nhân dân.

Điểm sạt lở dọc bờ suối Đăk La tại cánh đồng Kon Trang Kơ La đoạn qua thôn 7, xã Đăk La với chiều dài sạt lở trên 120m, rộng 12m và sâu 10m là khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất trên địa bàn xã Đăk La. Theo nhiều hộ dân sản xuất lúa nước quanh khu vực trên cho biết tình trạng sạt lở diễn ra từ nhiều năm về trước đã gây xói mòn, sạt lở nhiều diện tích lúa nước của các hộ dân sản xuất sát 2 bên bờ suối, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm nay trên địa bàn xuất hiện nhiều trận mưa lớn, lưu lượng nước từ đầu nguồn đổ về nhiều tình trạng xâm lấn, sạt lở, xói mòn trở nên nghiêm trọng, thời điểm hiện tại điểm sạt lở còn cách mố dây cáp treo cầu khoảng 3m và cách mố cầu treo khoảng 5m. Nếu không khắc phục kịp thời trước mùa mưa bão nguy cơ sạt lở thêm đến mố cầu và cuốn trôi cầu treo thôn 7 là rất cao. Ông Hà Văn Thuận thôn 7, xã Đăk La cho biết “Thời điểm tháng 7 tháng 8 và tháng 9 hàng năm, vào mùa mưa bão lượng nước ở trên các khu vực đầu nguồn đổ về lớn, tình trạng sạt lở diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, sau nhiều năm tình trạng xói mòn, xâm lấn đã gây sạt lở khoảng hơn 1000 mét vuông đất sản xuất lúa nước của các hộ dân, nếu để tình trạng này tiếp diễn trong mùa mưa năm nay nguy cơ cầu treo  này sẽ mất

Lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà kiểm tra trực tiếp tại điểm sạt lở thôn 7, xã Đăk La 

Hiện nay trên địa bàn Đăk La có 4 khu vực sản xuất lúa nước của bà con Nhân dân dọc 2 bên bờ suối Đăk La với tổng chiều dài gần 300 mét có nguy tiếp tục sạt lở trong mùa mưa tới. Để chủ động triển khai các phương án khắc phục, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lấp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay, UBND xã Đăk La thường xuyên kiểm tra thực tế, cắm biển cảnh báo tại các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng, chống bão lũ, triển khai phòng, chống bão lũ ngay tại cơ sở, vận động nhân dân ra quân gia cố bằng rọ đá, bao tải. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài nếu không được khắc phục sớm nguy cơ bồi lấp, sạt lở diện tích đất sản xuất của bà con Nhân dân. Ông Nguyễn Quang Thịnh chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết thêm.  

Năm 2021 dông, lốc, mưa đá trên địa bàn huyện Đăk Hà đã ảnh hưởng trực tiếp đến 15 hộ gia đình, hơn 80,7 héc ta cây trồng bị thiệt hại, nhiều công trình thủy lợi như cầu treo, đập thủy lợi, trường học, đập tràn bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn huyện Đăk Hà là trên gần 17 tỷ đồng. Qua rà soát đánh giá hiện trạng trước mùa mưa bão năm 2022, hiện nay một số công trình thủy lợi, điểm xung yếu trên địa bàn xã Ngọc Réo, xã Đăk La và xã Đăk Long, Đăk Pxy hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới cần được sớm sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, điểm xung yếu huyện Đăk Hà đang gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Hà cho biết “Đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên đi kiểm tra các điểm xung yếu, công trình thủy lợi bị thiệt hại bởi thiên tai. Đồng thời tham mưu UBND huyện có văn bản gửi cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh xin hỗ trợ kinh phí khắc phục 2 cầu treo qua sông Đăk Psy tại xã Đăk Psy, công trình thủy lợi tại xã Ngọc Réo và một số hạng mục khác trên địa bàn xã Đăk La

Thời điểm hiện tại đang bước vào mùa mưa bão nguy cơ sạt lở tại các công trình thủy lợi, điểm xung yếu đã và đang tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiệt hại cho người nông dân.


Tác giả: Minh Thái

Tin liên quan