A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng triển khai thực hiện Đề án 06

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 06 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

 

hoi nghi truc tuyen toan quoc so ket 6 thang trien khai de an phat trien ung dung du lieu ve dan cu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị được kết nội tại điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã; xã, phường trong toàn quốc với tổng số hơn 10.000 điểm cầu từ cấp xã đến Trung ương. Tại điểm cầu huyện, đồng chí Hà Tiến – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện dự và chủ trì.

Đề án 06 được phê duyệt theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022. Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích đó là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đề án xác định 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương.

 Sau 6 tháng triển khai thực hiện, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ chung và 1/8 nhiệm vụ cụ thể. Đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực.

 Điểm nổi bật là, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời, mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác trong lực lượng như cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ôtô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Bộ Giáo dục và đào tạo đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỉ lệ 93,1%)...

Tính đến ngày 31-7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động để xác thực dữ liệu người dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM…

Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia, đến cuối tháng 7 thu nhận 6 triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh…Đến nay, đã có 67 triệu công dân được cấp căn cước công dân gắp chip điện tử.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại các ngành, địa phương và đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề án 06 nhằm cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau khi được phê duyệt, Đề án đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh những kết quả đạt được đó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện, đồng chí đề nghị các bộ ngành cần khắc phục những bất cập để triển khai đề án hiệu quả  hơn trong đó đề nghị các bộ, ngành cần liên tục đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, vừa triển khai nhiệm vụ trước mắt, vừa hoạch định nhiệm vụ lâu dài; đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn phù hợp lợi ích quốc gia, tránh lãng phí nguồn lực.

Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong phát triển chuyển đổi số để thực hiện thành công Đề án. Đồng thời tập trung triển khai thành công hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin và là bộ phận không thể tách rời trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, không cầu toàn, không nóng vội, làm chắc chắn, thận trọng, quyết liệu, kịp thời, hiệu quả. Trước mắt tập trung chỉ đạo triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phát đã được xác định.

Để thực hiện thành công Đề án, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cũng như ý nghĩa của việc vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp và việc huy động các nguồn lực thực hiện Đề án. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện phải gắn với kiểm tra, đánh giá nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước, cho Nhân dân.


Tác giả: BQT  

Tin liên quan