Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh với Di tích lịch sử - văn hóa Công trình thủy lợi đập Đăk Ui
Sáng 22/12, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh với Di tích lịch sử - văn hóa Công trình thủy lợi đập Đăk Ui.
Về dự buổi Lễ có các đồng chí Y Xuôi, nguyên UVBTV Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Đồng chí A Bok, nguyên UVBTV Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyên lãnh đạo huyện Đăk Hà qua các thời kỳ; Đồng chí Lưu Duy Khanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Đại diện lãnh đạo HU – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam huyện; Đại diện các đơn vị quân đội tham gia thi công công trình và nhân dân trên địa bàn xã Đăk Ngọk, Đăk Mar và Đăk Ui.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân khu 5 đã quyết định đầu tư xây dựng công trình Đập thủy lợi đập Đăk Ui (Hay còn gọi là Đập Mùa Xuân) nhằm giúp người dân địa phương có nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất. Công trình được khởi công vào ngày 22/12/1975. Công trình được xây dựng trong những ngày gian khổ nhưng hào hùng, để hoàn thành công trình đại thủy nông này, 186 chiến sĩ đã nằm vĩnh viễn lại vì bệnh tật, vì sốt rét rừng, vì bom mìn. Với tổng diện tích mặt nước là 290 ha, Đập Đăk Ui (Đập Mùa Xuân) là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho 3/4 diện tích đất canh tác của Nhân dân huyện Đăk Hà, là công trình thủy lợi đầu tiên ở Kon Tum được xây dựng sau ngày đất nước thống nhất và cũng là công trình thủy lợi lớn nhất Kon Tum lúc bấy giờ được dựng xây bằng mồ hôi, công sức của "Bộ đội Cụ Hồ" như một món quà tri ân với những người dân đã hết lòng nuôi giấu, chở che bộ đội và góp phần hồi sinh "vùng đất chết" bởi bom đạn chiến tranh.
Đúng ngày 30/4/1977, đập chính dài 680m, cao 34m, chân đập rộng 270m, mặt đập 6m, 10 cây số kênh chính (kênh cấp I) và 49 công trình trên kênh, cầu máng, tràn xả lũ đã hoàn thành, kịp chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4) và mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu (19/5).
Công trình được đưa vào sử dụng đã trực tiếp thúc đẩy phong trào khai hoang, thực hiện tốt công tác định cạnh, định cư của nhiều làng đồng bào DTTS từ khu vực căn cứ cách mạng Đăk Ui. Bên cạnh đó, nhiều thành phần dân tộc anh em từ các tỉnh phía Bắc đã đến định cư, cùng đồng bào Xê – đăng tại chỗ xây dựng vùng kinh tế mới.
Sau hơn 48 năm đi vào vận hành, Đập Đăk Ui đã làm hồi sinh, biến một vùng đất rộng lớn bị bom đạn cày xới trong chiến tranh trở thành vùng đất trù phú của cây lúa nước, cây cà phê, cao su..., nuôi sống cho hàng nghìn hộ dân, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của huyện Đăk Hà. Không chỉ vậy Đập Đăk Ui đã góp phần ổn định môi trường sinh thái, điều tiết nước, tạo cảnh quan đẹp; tạo ra nguồn lợi thủy sản lớn cho nhân dân trong vùng. Đồng thời, nơi đây có nhiều triển vọng phát triển ngành du lịch nếu được đầu tư thêm một số cảnh quan, vườn hoa, nhà bia tưởng niệm; kết hợp với nhiều loại hình du lịch sinh thái như thăm cánh đồng lúa chín, những đồi cà phê nở hoa, sinh hoạt văn hoá cộng đồng là một địa chỉ du lịch lý tưởng cho những ai đặt chân đến mảnh đất Đăk Hà - Kon Tum. Bên cạnh đó, có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử và danh thắng khác trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601, di tích Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui, thăm quan làng du lịch cộng đồng thôn Kon Trang Long Loi và Chùa Tháp Kỳ Quang…
Tại buổi Lễ, được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Văn Hoàng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định số 347/QĐ-UBND, ngày 20/7/2023 của UBND tỉnh và trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh với Di tích lịch sử - văn hóa Công trình thủy lợi đập Đăk Ui thuộc xã Đăk Ui, Đăk Ngọk và Đăk Mar, huyện Đăk Hà.
Phát biểu tại Lễ công bố và đón nhận Quyết định, đồng chí Lưu Duy Khanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khẳng định: việc công trình thủy lợi Đập Đăk Ui được UBND tỉnh công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự lớn, là niềm tự hào về truyền thống cách mạng đối với nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà.
Việc tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà; Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Qua đó, nhằm tưởng nhớ, tri ân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha, anh trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nâng cao lòng tự hào dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền sự hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của Di tích lịch sử - văn hóa Công trình thủy lợi Đập Đăk Ui.
Do vậy, đồng chí đề nghị UBND huyện, các cơ quan đơn vị chuyên môn, UBND các xã Đăk Mar, Đăk Ngọk, Đăk Ui và nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với di tích theo phân cấp đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đầu tư, bố trí kinh phí và huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp, tu sửa di tích. Nghiên cứu xây dựng phương án phát triển khai thác dịch vụ và phát huy hiệu quả giá trị di tích gắn với hoạt động du lịch; giới thiệu, quảng bá, kết nối tour, tuyến với các điểm du lịch và hệ di tích trên địa bàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực trong, ngoài nước và sự đóng góp của Nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, đảm bảo đúng theo quy định của Luật di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành. Đưa Di tích đập Đăk Ui trở thành điểm nhấn trong Đề án phát triển du lịch huyện Đăk Hà và Tuần lễ du lịch huyện Đăk Hà năm 2024. Đồng thời, phối hợp tổ chức tốt các Lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa văn nghệ, du lịch để phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích; kịp thời báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với hành vi bị lấn chiếm, hủy hoại Di tích.
Sau buổi lễ, các đại biểu đã đến tham quan và trồng cây lưu niệm tại Di tích lịch sử cấp tỉnh Công trình thủy lợi đập Đăk Ui.