Hội thảo khoa học (lần thứ Nhất) sách Lịch sử Đảng bộ xã Đăk La, giai đoạn 1976 – 2024
Ngày 11/9, Đảng ủy xã Đăk La tổ chức Hội thảo khoa học (lần thứ Nhất) sách Lịch sử Đảng bộ xã Đăk La, giai đoạn 1976 – 2024. Dự có đồng chí Lưu Duy Khanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Đồng chí Chu Văn Hiền – UVBTV, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy; Các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Đăk La qua các thời kỳ.
Đăk La là xã có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của huyện Đăk Hà và trung tâm tỉnh lỵ thành phố Kon Tum. Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đây là khu vực diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Ngày 16 tháng 3 năm 1976, xã Đăk La được thành lập, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Phát huy nội lực, cùng với tiềm năng lợi thế về đất đai, vị trí địa lý và sự hỗ trợ của các nguồn lực khác từ Trung ương, tỉnh, huyện là yếu tố quan trọng để xã Đăk La phát triển nhanh về kinh tế, tiến bộ về văn hóa - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định về chính trị, đưa cuộc sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng ấm no, hạnh phúc; góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về bố cục và nội dung: sách Lịch sử Đảng bộ xã Đăk La, giai đoạn 1976-2024 bao gồm 4 chương, phần mở đầu, Kết luận, phụ lục… Cụ thể:
- Chương 1: Giới thiệu điều kiện tự nhiên; quá trình hình thành làng, xã trong các giai đoạn lịch sử, nêu bật những đặc trưng về kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số nơi đây cũng như quá trình tiếp thu và phát huy những tinh hoa văn hóa của đất nước, nhân loại; đồng thời phân tích các phong trào yêu nước trong bối cảnh chung của huyện Đăk Hà.
- Chương II: Xã Đăk La trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954 – 1975, xã Đăk La là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ trung tâm thị xã Kon Tum ở phía nam và cụm cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh ở phía bắc, cho nên đế quốc Mỹ đã chỉ đạo cho xây dựng hệ thống các chốt, cứ điểm, đồn, bốt hết sức kiên cố như: Chốt Đăk La, Kon Trang Klah, Cứ điểm Lam Sơn; cùng với đó là chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược, xây dựng nhà thờ tại các làng Ngô Trang, Kon Trang Mơ Nấy, Kon Trang Long Loi và biến nơi đây thành một trận địa vững chắc. Mặc dù điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng dưới ánh sáng của Đảng soi đường, trực tiếp là Ban Cán sự thị xã Kon Tum sau này là (H5), một số làng của Đăk La đã xây dựng được cơ sở cách mạng như Đăk Rơ Chăk, Ngô Trang. Quân và dân xã Đăk La cùng lực lượng vũ trang của ta đã anh dũng chiến đấu, hi sinh, lập nên những chiến công, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Chương III: Xã Đăk La ra đời lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1975 - 2000). Đây là giai đoạn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Chi bộ xã Đăk La trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh; vận dụng linh hoạt đường lối của Đảng, nhất là đã kiên trì đường lối đổi mới, tập trung triển khai thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của các kỳ đại hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nổi bật là thành lập Hợp tác xã nông nghiệp; đưa bà con bị ly tán trong kháng chiến chống Mỹ về định canh, định cư để thành lập xã Đăk La; tổ chức chống Fulro giữ vững an ninh trật tự trên địa bản.
- Chương IV: Đảng bộ xã Đăk La được thành lập, tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng thành công xã nông thôn mới (2000-2024). Đây là giai đoạn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Đăk La đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
- Phần Kết luận: Đánh giá tổng quát kết quả đạt được sau gần 50 năm xây dựng và phát triên của xã Đăk La, rút ra 6 bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ qua 18 nhiệm kỳ Đại hội.
Tại Hội thảo, các Đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; Nguyên lãnh đạo xã qua các thời kỳ đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến nhằm điều chỉnh, bổ sung các dữ liệu về lịch sử, kinh tế - văn hóa – xã hội trong từng giai đoạn. Trong đó, làm rõ những quan điểm, chủ trương mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng vào điều kiện thực tiễn của địa phương.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia tại Hội thảo, Ban Biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ xã Đăk La sẽ tiếp thu, hoàn thiện để xuất bản, phục vụ công tác giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Khơi dậy ý thức tự hào, tự tôn dân tộc để chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển địa phương ngày càng văn minh giàu đẹp.