A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị chuyên đề nâng cao toàn diện chất lượng Giáo dục và đào tạo huyện Đăk Hà giai đoạn 2022 - 2025

Huyện Đăk Hà vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề để lấy ý kiến về triển khai các giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng Giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2025.

Lãnh đạo Sở GD và ĐT phát biểu tại Hội nghị

Về dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đăk Hà; Lãnh đạo các ngành chuyên môn, các địa phương và các đơn vị trường học đóng chân trên địa bàn huyện.

Năm học 2022 – 2023, huyện Đăk Hà có 41 đơn vị trường học với tổng số 735 nhóm lớp và 21.950 học sinh ở 3 bậc học: Mầm non, Tiểu học và THCS. Toàn huyện hiện có 1.250 cán bộ quản lý, giáo viên. Thiếu 56 giáo viên bậc Mầm non, 113 giáo viên Tiểu học theo Quy định mới của Bộ Giáo dục và đào tạo. Hiện nay toàn ngành có 885 giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 82,2%, còn 191 giáo viên chưa đạt chuẩn chiếm 17,8%. Về điều kiện cơ sở vật chất, toàn huyện hiện có 701 phòng học, cơ bản đáp ứng đủ điều kiện dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chất lượng giáo dục theo chương trình GDPT năm 2018.

Đồng chí Ka Ba Thành - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đánh giá chất lượng dạy và học trong thời gian qua, Ngành GDĐT đã tham mưu và triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật, các cuộc vận động và các phong trào thi đua, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo; vai trò của từng trường, từng CBQL giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của giáo dục huyện Đăk Hà, tạo được niềm tin đối với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và của cộng đồng đối với Ngành. Tập trung tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực GDĐT, góp phần hoàn thiện cải cách hành chính pháp luật trên địa bàn huyện. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn được sắp xếp từng bước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tiết kiệm ngân sách đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chất lượng đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục tiếp tục được bồi dưỡng, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Từng bước điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tập trung nguồn lực để thực hiện CTGDPT 2018. Tiếp tục đẩy mạnh nhằm đổi mới toàn diện việc dạy, học Tiếng Anh, Tin học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện; ngân sách cho GDĐT đã được ưu tiên phân bổ phù hợp. Trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được xây dựng theo lộ trình. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và triển khai hiệu quả.

Thảo luận về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng GD và ĐT giai đoạn 2022 – 2025, các Đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là ngành Giáo dục huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT; Tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025”. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở GDMN phát triển Chương trình giáo dục của nhà trường phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế của địa phương. vận dụng các yếu tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm triển khai đúng định hướng CTGDPT 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lí, dạy học; xây dựng học liệu số, đồ dùng dạy học số; Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện CTGDPT 2018: rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tham mưu việc chọn sách giáo khoa; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng SGK; bồi dưỡng đại trà CBQL, giáo viên thực hiện CTGDPT 2018; tham gia tập huấn Tài liệu Giáo dục địa phương trong CTGDPT.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo huyện Đăk Hà yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức các cuộc thi, kỳ thi, hội thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tích hợp trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Bên cạnh đó, Chỉ đạo, triển khai thực hiện việc công khai, minh bạch theo quy định, đặc biệt trong các lĩnh vực: quản lý và sử dụng tài chính; mua sắm tài sản công; quản lý chất lượng giáo dục; tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng đội ngũ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Xuân Sáng

 


Tin liên quan