Hiệu quả từ mô hình phân bón hữu cơ đạm cá
Để giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường, nhiều thành viên của tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà đã triển khai mô hình làm phân bón hữu cơ đạm cá để chăm sóc cho cây trồng.
Với gần 3.000 cây cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình anh A Phen ở thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar. Trước đây, gia đình anh cũng giống như nhiều hộ nông dân khác ở địa phương, để chăm sóc cây cà phê anh thường xuyên sử dụng các loại phân bón vô cơ, chi phí đầu tư cao. Đầu năm nay được tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững hỗ trợ phi chứa, mật mía, men ủ và hướng dẫn kỹ thuật làm phân bón hữu cơ, gia đình A Phen đã mua cá, thực hiện theo đúng quy trình làm đạm cá bón cho cây cà phê giúp gia đình tiết kiệm nhiều chi phí, cây cà phê phát triển tốt và ít sâu bệnh. Anh A Phen chia sẻ “Mỗi phi có thể tích 200 lít gia đình ủ từ 1 tạ 3 đến 1 tạ rưỡi cá, sau khoảng thời gian 2 tháng, từ 10 đến 12 lít đạm cá pha đều với khoảng 500 lít nước để tưới cho cây cà phê, tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng gia đình bón phân với liều dùng thích hợp, đạm cá được bón quanh gốc cây cà phê, đảm bảo dinh dưỡng được hấp thụ tốt nhất và tránh tình trạng cháy lá”.
Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững xã Đăk Mar có 42 thành viên với tổng diện tích gần 65 héc ta, trong đó phần lớn diện tích của các hộ DTTS. Để phát triển bền vững vườn cây, tăng năng suất giảm chi phí các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Mô hình phân bón hữu cơ đạm cá đã được triển khai với 25 thành viên tham gia, qua đó từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê. Ông Tạ Ngọc Quang – Tổ trưởng THT sản xuất cà phê bền vững xã Đăk Mar cho biết thêm “Gia đình ông hiện có gần 4 héc ta diện tích trồng cà phê xen canh cây ăn quả, mỗi năm gia đình bón 4 lần phân trong mùa mưa, để giảm chi phí đầu tư, năm nay gia đình đã ủ 3 phi đạm cá để tưới cho vườn cây, qua theo dõi cây trồng sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, giúp gia đình tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Trong quá trình làm đạm cá ông luôn lưu ý các điều kiện bảo quản như để nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp, thường xuyên kiểm tra để đảm bảo đạm cá ủ đều, trong quá chăm sóc liều lượng tưới được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng và chu kỳ phát triển của cây cà phê. Từ chỗ bà con biết làm, trong thời gian tới Tổ hợp tác thực hiện nhân rộng ra để các hộ DTTS cùng thực hiện”.
Xã Đăk Mar hiện có gần 2.500 héc ta diện tích gieo trồng cây lâu năm, trong đó trên 1.800 héc ta cà phê. Để nâng cao giá trị sản phẩm nhiều hộ nông dân dần thay đổi thói quen chuyển từ chăm sóc cây trồng bằng phân bón hóa học sang các loại phân hữu cơ, trong đó mô hình làm phân bón hữu cơ từ đạm cá trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện để cây trồng sự sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn cho cây trồng bảo vệ hệ sinh thái địa phương. Qua đánh giá mô hình rất phù hợp với địa phương bởi nguồn cá dồi dào tại lòng hồ thủy điện Plei Krông được Nhân dân đánh bắt. Bà Nguyễn Thị Thanh Thùa chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho biết thêm.
Với những hiệu quả mang lại cho người nông dân, mô hình đạm cá là xu hướng làm nông nghiệp thông minh, từ đó dần hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại huyện Đăk Hà.