A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm tra Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Đăk Pxi

Ngày 24/5, đồng chí Phạm Thị Thương – UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đã đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 tại xã Đăk Pxi.

Kiểm tra thực hiện chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững tại Đăk Pxi

Đăk Pxi có tổng diện tích tự nhiên 26.500 ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 24.600 ha. Tổng dân số toàn xã có 1.071 hộ với 5.665 khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 93,38% dân số toàn xã; Tổng số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 28,2%; số hộ cận nghèo chiếm 28,1%.

Trong giai đoạn 2022 – 2023, kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đối với Tiểu Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã là 724 triệu đồng; kinh phí Ngân sách trung ương hỗ trợ Tiểu dự án 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp 212 triệu đồng. Hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án cải thiện dinh dưỡng là 59 triệu đồng. Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững năm 2023 là 77 triệu đồng. Dự án 7 về Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình là 33 triệu đồng.

Đến nay, tổng dư nợ thông qua 11 chương trình cho vay đạt 27 tỷ 943 triệu đồng. Triển khai cho 23 hộ vay vốn sửa chữa nhà ở theo Nghị định 28,  ngày 26/4/2022 của Chính phủ với tổng dư nợ đạt 920 triệu đồng. Hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý nói chung và người nghèo nói riêng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý ngay tại cơ sở, đồng thời hướng dẫn, giải đáp và tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Đại diện Đảng ủy xã phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân. Các Chương trình MTQG đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021- 2025 và công cuộc giảm nghèo. Đến cuối năm 2022, xã còn là 302 hộ (chiếm 28,2%), hộ cận nghèo là 301 hộ (chiếm 28,1%); Kế hoạch giảm nghèo đến cuối năm 2023, xã phấn đấu giảm 237 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 xuống còn 65 hộ; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,5%.

Các thành viên đoàn công tác tham gia thảo luận

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác và chính quyền địa phương đã thảo luận, làm rõ một số nội dung như: Kết quả xoá đói giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao; Việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước và cơ chế đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình MTQG còn hạn chế; Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng mục tiêu giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị…

Đồng chí Phạm Thị Thương - UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện kết luận buổi làm việc

 Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phân công cán bộ đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các thôn. Tuyên truyền, thực hiện đồng thời giám sát, đánh giá các mục tiêu các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững. Từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo trên địa bàn xã.

Đồng chí PCT UBND huyện cũng yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân, đồng bào DTTS nêu cao tinh thần tự giác, tự lực trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Mạnh dạn trong tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội của Nhà nước để đầu tư sản xuất kinh doanh; tìm tòi học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa hoặc kỹ thuật và các chương trình hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp... Phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trong năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra.


Tin liên quan