A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện kiểm tra, đánh giá hiệu quả diện tích Mắc ca

Sáng ngày 25/2, đồng chí Hà Tiến – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã đi kiểm tra thực tế, đánh giá hiệu quả diện tích Mắc ca trên địa bàn huyện.

 

 

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã tham quan diện tích cây Mắc ca
đã cho thu hoạch tại thôn 5, xã Hà Mòn của gia đình anh Dương Văn Phi

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã tham quan diện tích cây Mắc ca trồng xen năm thứ 2 trong vườn Cà phê và khảo sát, đánh giá hiệu quả diện tích cây Mắc ca đã cho thu hoạch tại thôn 5, xã Hà Mòn của gia đình anh Dương Văn Phi.

Vườn cây Mắc ca của gia đình anh Dương Văn Phi được trồng từ năm 2015, xen trong vườn Cà phê với mục đích ban đầu là để chắn gió. Đến năm 2020, những cây Mắc ca cho bắt đầu trổ hoa, ra quả, gia đình tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại cây trồng mới này. Đến niên vụ 2022, những cây Mắc ca bắt đầu cho thu hoạch ổn định hơn, năng suất trung bình từ 20 đến 40 kg quả tươi một cây, chất lượng hạt đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị thu mua. Với mức giá ổn định, trung bình, 100 cây mắc ca trồng xen mang lại cho gia đình lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

 

 

Cây Mắc ca trồng xen bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, chất lượng ổn định

Cây Mắc ca có khả năng chịu hạn cao nên phù hợp với những vùng khó khăn về nguồn nước. Mặt khác, cây Mắc ca có chiều cao và tán dày nên có thể che bóng và chắn gió cho các cây trồng xen. Khi cây Mắc ca bước sang năm thứ 4 trở đi, có thể giúp giảm 30% lượng nước tưới và tăng 20% năng suất cho Cà phê. Với đặc điểm dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, quy trình chăm sóc cây Mắc ca khá đơn giản và hoàn toàn có thể kết hợp với quá trình chăm sóc cây Cà phê. Ngoài ra, chu kỳ thu hoạch của cây Mắc ca lên đến 60 năm cũng là đặc điểm để nông dân có thể yên tâm về hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.

 
 

Qua kiểm tra, đánh giá thực tiễn, đồng chí Chủ tịch UBND huyện nhận định: Cây Mắc ca có nhiều ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân. Năm 2018, cây Mắc ca được Chính phủ xác định là 1 trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của Quốc gia.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, những năm qua, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về giá trị kinh tế - sinh thái của cây Mắc ca và phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn lo lắng về sản lượng vườn cây và đầu ra cho sản phẩm, chưa mạnh dạn đầu tư trồng cây Mắc ca. 

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện khảo sát vườn cây Mắc ca xen canh năm thứ 2

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua đánh giá thực tiễn tại vườn cây, trên cơ sở những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây Mắc ca, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất để đưa cây Mắc ca vào canh tác bền vững. Góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường sinh thái và hơn hết, giúp người dân vươn lên làm giàu từ loại cây trồng này. Bên cạnh, huyện cũng vận động thành lập HTX cung ứng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thu mua, chế biến sản phẩm Mắc ca tại địa bàn huyện. Giúp người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.


Tác giả: Trọng Nghĩa  

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu