A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng ngành Tòa án

Cách đây 78 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C, thành lập các Toà án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Toà án và từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân.

 

Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C, thành lập các Toà án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của các Toà án

Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Trong đó các Toà án quân sự được thành lập có thẩm quyền: "xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà...". Sau khi thành lập, các Toà án quân sự đã tổ chức xét xử nghiêm minh, trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ; thi hành nghiêm chỉnh những sắc lệnh, quy định của Chính phủ mới ban hành.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Tòa án năm 1960 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Toà án nhân dân. Theo đó, hệ thống các Toà án nhân dân gồm: Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện và các Toà án quân sự. Chế độ hai cấp xét xử được các Toà án nhân dân thực hiện.

Chất lương xét xử các phiên tòa ngày càng được nâng cao

Từ năm 2002 đến năm 2013, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; giải quyết thoả đáng các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm; vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao. Hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác... Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình Cải cách nền tư pháp của đất nước, đánh dấu bước phát triển mới của các Tòa án nhân dân, khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Công tác xét xử được tổ chức minh bạch, công khai, đảm bảo đúng trình tự pháp luật

Trải qua 78 năm hoạt động, Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ qua từng năm; Các Tòa án đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội; bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Thông qua hoạt động xét xử, các Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong nhân dân.

Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã được tích cực thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và có chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật nước nhà.

 
Đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa Giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Nhìn lại lịch sử 78 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị xây dựng hệ thống Toà án trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giám sát của Nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, công chức; trong thời gian tới, hệ thống Tòa án nhân dân sẽ phát huy những kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 78 năm qua, tiếp tục nỗ lực không ngừng, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới đất nước, xứng đáng là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Tác giả: Trọng Nghĩa

Tin liên quan