A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy tại cơ sở

          Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp các vụ cháy, nổ xảy ra gây thiệt hại đặc biệt nghiệm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, không ít người quan niệm rằng, việc phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của riêng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và “nhà tôi không bao giờ cháy” nên nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định.

          

          Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210,5 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini xảy ra ngày 12/9/2023 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương. Những con số thống kê trên cho ta thấy toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của “giặc lửa”.

          Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy, nổ chủ yếu vẫn là do sơ suất trong sử dụng lửa và sự cố hệ thống điện, thiết bị điện (chiếm tới 54,8%); một số vụ cháy xảy ra nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý vứt mẩu tàn thuốc lá, hay để quên nồi cá kho trên bếp, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà… Bên cạnh đó là kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định.

          Phương châm ứng phó với “hỏa tặc” hiệu quả nhất chính là “phòng cháy hơn chữa cháy.” Cha ông ta đã dạy “nước xa không chữa được lửa gần”. Khi xảy ra cháy nhà, nhất là ở khu đông dân, lực lượng cứu hỏa dù có nhanh đến mấy cũng khó có thể dập cháy, cứu người ngay. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người dân, hộ gia đình phải thường xuyên và đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy và không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải biết về phòng cháy, chữa cháy để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn. Khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy thì sẽ hạn chế được cháy xảy ra hoặc nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn.

          Hiện nay, huyện Đăk Hà đã bước vào mùa hanh khô, đây là thời điểm thường xảy ra nhiều vụ cháy, nổ. Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ cháy, nổ xảy ra, Công an huyện Đăk Hà khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, Nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện một số nội dung sau:

          1. Mỗi hộ gia đình nên trang bị 01 đến 02 bình chữa cháy xách tay đảm bảo về chất lượng đặt ở nơi dễ lấy phòng trường hợp đám cháy xảy ra bất ngờ để kịp thời xử lý, dập tắt đám cháy nhỏ khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn quy trình, phân biệt và cách sử dụng bình chữa cháy cho mọi người trong gia đình.

          2. Các gia đình nên lưu ý đề phòng các nguyên nhân khác gây cháy nổ trong gia đình tuân thủ một số biện pháp cơ bản sau:

          - Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.

          - Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.

          - Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.

          - Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m; khi thắp hương, đèn phải có người trông coi.

          - Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình, phòng làm việc ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.

          - Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực do mình đảm nhiệm.

          - Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, dơ le, attomat … cho từng khu vực.

          - Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra;

          - Khi phát hiện đám cháy, tìm mọi cách hô hoán, báo cháy cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy theo số điện thoại 114, đồng thời sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.

          3. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tuân thủ thực hiện nội quy, quy định về PCCC: Duy trì thường xuyên chế độ và quy trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở (kiểm tra định kỳ và đột xuất), chú trọng kiểm tra tổng thể các thiết bị điện, táp lô điện định kỳ bảo trì, sửa chữa những hư hỏng đảm bảo an toàn PCCC về điện. Có quy chế chặt chẽ về việc thực hiện quy định PCCC của cán bộ, công nhân viên chức. Khi hết giờ làm việc, trước khi ra về ngắt hết các thiết bị điện, tránh gây lãng phí, hao tổn điện năng, cần trang bị hệ thống rơle, cầu chì chuẩn có thể tự ngắt điện khi xảy ra sự cố.

          Chỉ cần một chút bất cẩn, sơ xảy, thiếu ý thức phòng cháy, chữa cháy là Hỏa có thể ập đến bất kỳ lúc nào, ở bất cứ hộ gia đình nào và gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân hãy tự nâng cao kiến thức, hiểu biết về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở; tổ chức các biện pháp phòng ngừa và đừng bao giờ nghĩ “nhà tôi không bao giờ cháy”./.

Quốc Khánh


Tác giả: Trọng Nghĩa  

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu